Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo

Admin
(PNTĐ) - Vấn đề dạy thêm, học thêm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến và đưa ra chất vấn trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm là một nhu cầu cần thiết của người dạy lẫn người học để quy định cho phù hợp.
Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo - ảnh 1
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nêu ý kiến về học thêm dạy thêm trong phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo tại hội trường ngày 20/11. Ảnh: Quochoi.vn

“Tự nguyện” học thêm trong “ép buộc”?
Là một phụ huynh đang có hai con và hơn 10 đứa cháu (con anh chị, em ruột) đang ở tuổi đến trường, chị Lê Minh Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) rất quan tâm đến dự thảo Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần này. Qua theo dõi các ý kiến thảo luận và các quy định của dự thảo luật, chị Huyền cho rằng luật cần có những quy định cụ thể để phụ huynh không bị vào tình cảnh ký đơn “tự nguyện” đồng ý cho con học thêm nhưng ở tâm thế bị “ép buộc”. 

Chị Huyền cho biết, để hợp thức hóa vấn đề học thêm trong nhà trường hiện nay, năm nào chị và nhiều phụ huynh khác cũng nhận được mẫu đơn do nhà trường (hoặc thầy, cô giáo) phát cho. Nội dung là tự nguyện đăng ký cho con học thêm. Trong lớp, đa số phụ huynh đều đồng ý “tự nguyện” viết đơn, trong khi số ít phụ huynh còn lại dù không muốn cũng buộc phải làm theo. Bởi nếu không học thêm thì sẽ kéo theo các hệ lụy sau đó như con bị thiếu hụt kiến thức không bằng các bạn học thêm, bị giáo viên để ý… Kết quả là không ít phụ huynh vẫn phải “tự nguyện” cho con học thêm trong sự “ép buộc” vô hình. Bất kể đằng sau đó là nỗi lo, gánh nặng kinh tế đè nặng lên những gia đình. 

Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo - ảnh 2
Học thêm đang là nhu cầu có thật của học sinh hiện nay. Ảnh minh họa

Anh Trần Tiến Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ủng hộ quy định của dự thảo Luật Nhà giáo là không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, anh Linh cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về trường hợp học sinh nào cần học thêm, học sinh nào không cần học thêm. Vì thực tế, có những học sinh bị thiếu hụt kiến thức cần bổ sung bằng việc học thêm trong nhà trường, nhưng bên cạnh đó, có những học sinh đã nắm vững kiến thức nhưng vẫn phải ngồi chung “lớp học thêm” với các bạn yếu kém, chỉ vì nhà trường chủ trương tổ chức hoạt động dạy thêm. Như vậy, tình trạng phụ huynh bị ép buộc “tự nguyện” cho con học thêm vẫn tiếp tục tồn tại và gây bức xúc trong xã hội. 

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật
Lâu nay, dạy thêm, học thêm đã và đang diễn ra phổ biến bên cạnh hoạt động dạy và học chính khóa. Từ nhu cầu có thật trong xã hội, việc dạy thêm, học thêm đã dần bị biến tướng, trở thành gánh nặng tài chính cho phụ huynh và gây áp lực học hành quá tải cho học sinh. Do đó, vấn đề dạy thêm, học thêm đã tạo không ít bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, dạy thêm, học thêm vẫn là nhu cầu có thật và chính đáng của một bộ phận thầy cô giáo và học sinh. Do đó, vấn đề này cần có quy định để “quản lý”. Đây cũng là một nội dung được Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.

Cụ thể, Điều 11 của Dự thảo thứ 5 Luật Nhà giáo nêu rõ những việc nhà giáo không được làm. Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo - ảnh 3
Dự thảo Luật Nhà giáo cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa.

Đồng thời, nhà giáo không được làm các việc sau: Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cho ý kiến về vấn đề này khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo vừa qua, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp. Về những việc nhà giáo không được làm, tại điểm c khoản 2, Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, bà Thủy cho rằng quy định này là cần thiết. 

Tuy nhiên, theo bà Thủy, cần nhìn nhận thấu đáo hơn, vì trong thực tế việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản học ở lớp. Đồng thời, nhu cầu tìm đến các thầy cô giỏi để được học thêm cũng là nhu cầu chính đáng. Do đó, nếu chúng ta cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống. 

Đồng tình với việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với vấn đề này. 

Tuy nhiên, theo ông Khánh, dù là nhu cầu cần thiết nhưng hiện dư luận xã hội đang có hai luồng ý kiến: Một là cấm, hai là quản lý. Thực tế cuộc sống, nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ để thầy cô giáo mang về nhà quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật Nhà giáo cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm, học thêm.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đồng tình với quy định dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh và gia đình. Bởi học sinh yếu kém thì cần học thêm, học sinh khá thì cần bồi dưỡng để có kết quả tốt hơn. Và cũng cần xem dạy thêm là một nghề có thu, việc cấm học thêm chỉ khiến cho vấn đề này khó quản lý hơn. 

Trả lời tại phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của các nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, cũng như vi phạm nguyên tắc chuyên môn. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường sẽ được Bộ tiếp thu tối đa và nghiên cứu đầy đủ hơn.