Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp

Admin
(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp đang trong quá trình lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, chuyên gia và đội ngũ làm công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không xác lập cơ chế riêng cho đào tạo nghệ thuật – vốn mang tính đặc thù sâu sắc – thì sẽ khó đảm bảo nguồn nhân lực tài năng cho ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa Việt Nam.
Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 1.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám Đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Đào tạo nghệ thuật không giống các ngành nghề thông thường"

Thầy Vũ Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay nhà trường đào tạo ở trình độ trung cấp ngắn hạn và trung cấp dài hạn, trong đó có một số những khối ngành đã đào tạo được truyền thống đến 60 năm nay, ví dụ như là ngành piano, violon, cello, kể cả thanh nhạc hay là nhạc cụ truyền thống, chúng tôi đều có cái mô hình đào tạo trung cấp dài hạn là 6, 7 năm và 9 năm, trước đây là 11 năm. Và nếu như theo quy định dự thảo của luật sửa đổi như thế này là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tức là lớp 9 thì cái số lượng mà các em học sinh mà chúng tôi đang đào tạo ở độ tuổi mà học 6, 7 và 9 năm thì không có cơ hội học tập ở các ngôi trường nghệ thuật nữa."

PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám Đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho biết, trong nhiều năm qua, khối đào tạo nghệ thuật đã xây dựng và đề xuất một nghị định đặc thù, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận là đối tượng đào tạo đặc thù.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đặt ra câu hỏi: Thời gian đào tạo trung cấp hiện nay bị giới hạn tối đa 3 năm theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, với đào tạo tài năng nghệ thuật, thời gian thực tế kéo dài đến 6 – 9 năm, tuyển sinh từ lứa tuổi tiểu học (lớp 3). Vậy có được phép kéo dài thời gian đào tạo và tuyển sinh từ độ tuổi thấp hơn trung học cơ sở không?

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 2.

Ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết nhiều trường nghệ thuật sẽ rất dễ bị sáp nhập hành chính - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Cùng quan điểm trên, ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho biết: "Vấn đề quan trọng là làm sao tích hợp các kiến thức cốt lõi về văn hóa, để các em khi học xong vẫn có thể học lên đại học. Chúng tôi chỉ cần học sinh nắm được kiến thức cốt lõi về văn hóa; còn phần đại học nghệ thuật sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu. Nếu nghệ thuật không được học liên thông từ trung cấp trở lên thì sẽ không thể có những tài năng như Đặng Thái Sơn".

Không chỉ mô hình đào tạo, hệ thống cơ sở giáo dục nghệ thuật cũng đang chịu sức ép bị "cào bằng" do áp lực tinh gọn. Về vấn đề này, ông Phượng nhấn mạnhbthực tế cho thấy rõ những trường nghệ thuật sau khi bị sáp nhập ở các tỉnh thì gần như không còn tồn tại được. Ông đưa ra ví dụ "Tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình kiên quyết giữ Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật nhằm phục vụ du lịch cung đình - một đặc sản văn hóa không thể thay thế bằng mô hình khác". Do đó, không thể cào bằng mà sáp nhập tất cả, bởi nghệ thuật chịu sự quản lý của những người không hiểu nghệ thuật thì nghệ thuật không thể tồn tại được. 

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 3.

Thầy Vũ Tiến Dũng kiến nghị nên luật hóa khái niệm “trường trung học nghệ thuật” - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Cởi trói pháp lý, khơi thông nguồn lực giảng dạy nghệ thuật

Một trong những đề xuất mang tính đột phá trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp lần này là mô hình "giảng viên đồng cơ hữu", cho phép các nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân có chuyên môn cao nhưng không nằm trong biên chế chính thức được tham gia giảng dạy một cách hợp pháp, ổn định và có đóng góp lâu dài.

Cơ bản đồng tình với khái niệm "giảng viên đồng cơ hữu", nhưng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cần xác định rõ nội hàm của khái niệm này. "Đồng cơ hữu" không thể chỉ là mời một giảng viên đến dạy một vài buổi, mà phải có sự bổ nhiệm hoặc công nhận chính thức về chức danh, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm lâu dài.

Đối với trường hợp nghệ nhân, doanh nhân... tham gia giảng dạy ngắn hạn thì chỉ nên ở dạng thỉnh giảng. Chỉ khi nào họ được quản lý như giảng viên cơ hữu thì mới nên xem xét đưa vào diện đồng cơ hữu, tránh lạm dụng khái niệm.

Góc nhìn từ cơ quan lập pháp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng cần phân biệt rõ giữa giáo viên, giảng viên và người thỉnh giảng. Nếu là thỉnh giảng thì chỉ cần ký hợp đồng ngắn hạn, thủ tục đơn giản. Nhưng nếu đã coi là một phần của cơ sở đào tạo, thì phải làm rõ trách nhiệm giữa đơn vị đang tuyển dụng họ chính thức và đơn vị ký hợp đồng giảng dạy.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 4.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh cần khai thác nguồn lực quý từ các giảng viên kiêm nhiệm - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Bà Mai Hoa đưa ví dụ, một người đang là viên chức ở cơ quan khác với chế độ làm việc 8 tiếng/ngày thì liệu có đảm bảo được thời gian và nghĩa vụ giảng dạy? Cần có cơ chế rõ ràng để giải quyết. Trường hợp tương tự từng được tranh luận khi xây dựng Luật Nhà giáo: các nghiên cứu viên ở viện nghiên cứu không được tuyển dụng vào vị trí nhà giáo, nên không thể mặc nhiên coi là nhà giáo, dù họ có thể tham gia giảng dạy và hưởng một số chính sách nhất định.

Đào tạo nghệ thuật là một hành trình đặc biệt - nơi tài năng cần được phát hiện từ sớm, nơi mỗi nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn là người truyền nghề. Nếu những đặc thù ấy không được nhìn nhận và luật hóa kịp thời, sẽ có những khoảng trống không thể lấp đầy, không chỉ trong giáo dục nghề nghiệp, mà trong cả diện mạo văn hóa quốc gia.

Thu Trang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đạiGiữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống dân tộc giữa đời sống đương đại
Tham khảo thêm
Văn học, nghệ thuật đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt NamVăn học, nghệ thuật đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam