Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN&PTNT chiều 27/12, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết hiện nay ngành trồng trọt của tỉnh đã chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao. Hiện nay tỉnh Hưng Yên có hơn 3.100ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; đã chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Như vậy, tổng số diện tích đã chuyển đổi là 19 nghìn ha, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, nhất là: cây nhãn đạt khoảng 5000ha, vải hơn 1.100ha, cây có múi hơn 4.600ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 70,1%.
Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2024 đạt 245 triệu đồng.
Tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh và khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tỉnh đã xây dựng được khoảng 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.790ha... Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh bình quân 2,43%/năm; 245 triệu đồng/ha; tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,44%; 98% hộ dân hưởng nước sạch; thu nhập trung bình hơn 80 triệu đồng/người/năm.
Cùng với Hưng Yên, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tập trung xây dựng các chuỗi sản phầm trồng trọt để biến rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Hiện rau quả Việt Nam đã có mặt trên hơn 60 thị trường với nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… Đặc biệt, Việt Nam đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Theo đánh giá của ông Bình, trong thành công của ngành rau quả có sự đóng góp không nhỏ các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Nhờ việc thông tin thị trường, các yêu cầu về kiểm dịch, vai trò cầu nối… được duy trì, ổn định.
Trong năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. "Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn", ông nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Đỗ Hương