Cảnh báo một thế hệ không có khả năng mua nhà

Admin
(PNTĐ) - Giá nhà đất “phi mã” liên tục xác lập kỷ lục mới, khiến cho khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng xa vời. Đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp với người có thu nhập thấp như cán bộ viên chức, công nhân lao động. Nếu không kiểm soát được tốc độ “leo thang” của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà, hay không có khả năng chi trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực…
Cảnh báo một thế hệ không có khả năng mua nhà - ảnh 1
Nhiều dự án chung cư xây dựng dở dang khiến cho nguồn cung hạn chế, đẩy giá nhà tăng cao.

Hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế 

Theo chị Vũ Minh Anh (quê ở Mỹ Đức, 38 tuổi) hiện ở thuê tại căn phòng 30m2 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, với giá nhà đất tăng chóng mặt như hiện nay, vợ chồng chị đã từ bỏ giấc mơ mua nhà và phải nghĩ đến phương án sớm trở về quê. Sau hơn 10 năm sinh sống ở thành phố, với công việc công nhân, cũng nhiều năm mơ ước mua được căn hộ tập thể cũ nhỏ để 2 vợ chồng, 2 con ở với giá tầm 1 tỷ đồng, nhưng đến giờ giá đã tăng gấp 2, 3 lần, anh chị nhận ra rằng, những người làm công sẽ không thể mua được nhà ở với giá cao ngất như hiện nay. “Vợ chồng tôi bao đêm trăn trở rằng có nên tiếp tục bám trụ ở đây hay sớm về quê sinh sống"- chị Minh Anh buồn rầu nói.

Thống kê của Tập đoàn Savills Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2024, có 70% số căn hộ được giao dịch tại Hà Nội với giá trên 4 tỷ đồng; 29% giao dịch có giá từ 2 đến 4 tỷ đồng và chỉ 1% số căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư. Sau thời gian tăng giá liên tục, giờ đây để mua căn hộ với giá 2-3 tỷ đồng cũng là nỗi chật vật với đa số người dân, giá căn hộ phổ biến ở mức 4-5 tỷ đồng. Giá nhà đất cao chót vót đang tạo ra áp lực tài chính nặng nề cho những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến cơ hội sở hữu một ngôi nhà riêng ngày càng trở nên xa vời, nhất là khi mức lương trung bình của người lao động từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Những điểm mới quan trọng của các luật mới sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Bộ đã và đang phối hợp với cơ quan liên quan trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Luật Đất đai 2024 sẽ tiếp tục góp phần khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển thị trường bất động sản.

Nhìn dưới góc độ xã hội, nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho rằng: “Nếu không kiểm soát được tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng chi trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực. Không có nhà sẽ dẫn đến không kết hôn, không sinh con và nhiều “không” khác…”.

Ở góc độ kinh tế, nếu tiền chỉ được chôn vào bất động sản thì triệt tiêu nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ở nhiều địa phương, khi mặt bằng giá đất được đẩy lên cao một cách vô lý còn là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng để triển khai những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự khi xảy ra khiếu kiện về đền bù đất đai, mà như quý vị đã biết khiếu kiện đất đai lâu nay vẫn chiếm tới 70-80% trong các loại khiếu kiện.

Để thị trường phát triển lành mạnh

Chia sẻ về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhìn nhận đã xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.

Theo ông Khôi, thách thức lớn nhất với thị trường và cả doanh nghiệp là những “dự án treo” chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút. Ngoài ra, một số nội dung pháp lý tại Luật mới rất cần làm rõ. Trong đó, có tác động của việc xây dựng bảng giá đất mới sao cho phản ánh đúng giá trị thực, tránh tình trạng giá ảo, để tính toán thuế đất, chi phí đầu tư và giá bán bất động sản…

Để thị trường phát triển lành mạnh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nhà nước điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật. Công cụ thiết thực nhất là thuế. Có thuế giá trị gia tăng 3% áp dụng chỉ với các dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê. Đề xuất thuế bất động sản là cần thiết, sao cho hợp lý, sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng. Để bất động sản an toàn, ổn định và bền vững phải thống nhất các luật và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định: “Quyền lực thị trường nằm trong tay người bán, cầu lớn nhưng cung hạn chế. Chủ đầu tư chủ yếu là vốn huy động nên việc giảm giá là rất khó. Bởi vậy, giá vẫn cứ tăng”. Ông Thịnh cho rằng vấn đề quan trọng là phải tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội. Chính phủ cần thay đổi cách thức, có cơ chế quản lý hiệu quả để phát triển nhà ở xã hội. Quỹ đầu tư từ nước ngoài thì xem xét điều kiện phát triển của thị trường rồi mới quyết định có đầu tư hay không. Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý rất quan trọng, để phù hợp với điều kiện đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: “Bộ Xây dựng đã kiến nghị các chính sách cho nhà ở xã hội, ban đầu 110.000 tỷ đồng, sang 60.000 tỷ đồng. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước huy động các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp hơn 1,5-2%. Hơn 1 năm vừa qua, có nhiều điều chỉnh. Như gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, dự kiến 30.000 tỷ (trong đó 15.000 tỷ từ phát hành trái phiếu, 15.000 tỷ ngân sách địa phương)”.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Thị trường bất động sản liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác nhau trên thị trường, điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan, địa phương, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp. Thời gian qua, việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật luôn được quan tâm, đẩy mạnh và từng bước hoàn thiện: Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/2023; Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết 1435 thành lập tổ công tác tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là 3 Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới”.

Trong đó, đặc biệt là phải đảm bảo công tác lập chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng đảm bảo cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội... Điều này tạo chuyển biến tích cực trên thị trường khi nguồn cung nhà ở tăng; gần 200 kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp được giải quyết; 79 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành.