Cảnh báo sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên

Admin
(PNTĐ) - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhi T (15 tuổi) nhập viện trong tình trạng tinh thần suy sụp nghiêm trọng, có hành vi tự rạch tay bằng dao lam và xuất hiện ý nghĩ tự sát. Đây là hồi chuông cảnh báo về sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên và sự cần thiết của việc quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần của trẻ.
Cảnh báo sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên - ảnh 1
Những vết rạch chằng chịt trên tay của bệnh nhi mắc trầm cảm.

Tự gây thương tích để giải tỏa sự trầm cảm
Bệnh nhi T sinh ra trong một gia đình có nhiều xung đột. Cha mẹ thường xuyên cãi vã, thậm chí xảy ra bạo lực gia đình. Những ký ức đau buồn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của T, khiến em dần trở nên ít nói, khép kín, khó hòa nhập với bạn bè và thường xuyên bị trêu chọc, cô lập tại trường học. Ngay cả trong gia đình, em cũng không tìm được sự thấu hiểu khi bố mẹ chỉ quan tâm đến kết quả học tập mà bỏ qua những vấn đề tâm lý mà em đang phải đối mặt.

T biết đến hành vi tự rạch tay qua một số diễn đàn trên Internet, nơi chia sẻ câu chuyện của những thanh thiếu niên gặp vấn đề tâm lý tương tự. Ban đầu, em còn do dự và sợ hãi, nhưng sau một lần bị điểm kém và bị mẹ mắng nặng lời, T đã dùng dao lam rạch tay để giải tỏa cảm xúc. Trái với sự lo lắng ban đầu, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Hành vi này dần trở thành thói quen, mỗi khi căng thẳng, em lại tiếp tục tự làm đau mình để tìm sự giải tỏa.

Trong vòng nửa năm gần đây, tình trạng của T xấu đi rõ rệt. Em thường xuyên cảm thấy buồn chán, mất hứng thú với mọi thứ, ăn ngủ kém, suy giảm tập trung học tập, và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về cái chết. Trong một lần trốn vào nhà vệ sinh để rạch tay, T bị bạn phát hiện và báo với giáo viên. Sau đó, nhà trường đã liên hệ với gia đình và đưa em đến Viện Sức khỏe Tâm thần để thăm khám.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán T mắc giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, kèm theo hành vi tự gây thương tích và ý tưởng tự sát. Em được chỉ định điều trị tích cực với liệu pháp hóa dược kết hợp với các phương pháp tâm lý như liệu pháp nhận thức - hành vi, trị liệu nhóm và trị liệu gia đình. Sau 30 ngày điều trị, tình trạng của T cải thiện đáng kể, em giảm suy nghĩ tiêu cực, giấc ngủ và khẩu vị ổn định hơn, sức khỏe tâm lý dần hồi phục. Gia đình cũng thay đổi cách ứng xử, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho em. 

Đây là một trường hợp đáng báo động về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi vị thành niên, cho thấy tầm quan trọng của việc quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần của trẻ, tránh để các em rơi vào trạng thái cô lập, trầm cảm và có những hành vi gây tổn hại đến chính bản thân mình.
Hiểu đúng để hỗ trợ kịp thời
Từ trường hợp bệnh nhân T, BS.CKII Nguyễn Hoàng Yến - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Hành vi tự gây thương tích không nhằm mục đích tự sát (Nonsuicidal Self-Injury - NSSI) có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính và dân tộc, nhưng phổ biến nhất ở thanh thiếu niên, đặc biệt là độ tuổi từ 12 đến 15.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 17-18% thanh thiếu niên từng thực hiện NSSI ít nhất một lần trong đời và khoảng 6% có NSSI mạn tính. Tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam với tỉ lệ 3/2. Khoảng 80% trường hợp tự gây thương tích kéo dài trong vòng 5 năm, thậm chí có thể tiếp diễn đến khi trưởng thành. Hành vi này thường đi kèm với các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống hoặc lạm dụng chất kích thích. Tuy nhiên, 15-20% thanh thiếu niên có hành vi NSSI không mắc bất kỳ rối loạn tâm thần nào khác.

Tác hại của hành vi này là hệ quả có chủ đích hoặc dự đoán trước của người thực hiện. Những tổn thương vật lý thường xuất hiện ngay lập tức dưới dạng vết cắt, bầm tím, trầy xước, đôi khi là những dấu hiệu khó nhận biết hơn. 

Đáng nói, người có hành vi tự gây thương tích thường trải qua cảm xúc tiêu cực mà không thể kiểm soát được. Trước khi thực hiện hành vi, họ rơi vào trạng thái căng thẳng, tuyệt vọng, và sau đó cảm thấy dễ chịu hơn nhưng có thể kèm theo cảm giác tội lỗi. Đây là hành vi mang tính cá nhân cao, được thực hiện trong bí mật thay vì nhằm thu hút sự chú ý. 

NSSI cũng có khả năng lan truyền trong nhóm bạn bè, cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội. Những người có xu hướng tự gây thương tích thường nhạy cảm về mặt cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng và gặp khó khăn trong quá trình hồi phục tâm lý.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con cái, đặc biệt là khi trẻ có dấu hiệu trầm cảm như: Thu mình, ít giao tiếp, học tập sa sút, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích. Dấu hiệu tự gây thương tích như: Vết rạch trên tay, mặc áo dài tay dù thời tiết nóng, có vật sắc nhọn trong phòng; hoặc cảm xúc tiêu cực kéo dài như buồn bã, dễ cáu gắt, mất ngủ, ăn uống kém.

Nếu phát hiện con có dấu hiệu bất ổn tâm lý, gia đình nên động viên, tạo không gian chia sẻ cởi mở, không trách mắng hay gây áp lực. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý là rất cần thiết để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng và phát triển tâm lý lành mạnh.

Hành vi tự gây thương tích không chỉ là dấu hiệu của sự tổn thương tâm lý mà còn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nếu không được can thiệp kịp thời. Các bậc cha mẹ, thầy cô và cộng đồng cần có cái nhìn đúng đắn về sức khỏe tâm thần của trẻ, quan tâm và hỗ trợ trẻ nhiều hơn, giúp các em xây dựng sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.