Cảnh giác khi bệnh ho gà xuất hiện trở lại!

Admin
(PNTĐ) - Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng bệnh.
Cảnh giác khi bệnh ho gà xuất hiện trở lại! - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Ho gà là bệnh gì?
Ho gà (Whooping Cough) là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra. Sau khi xâm nhập vào đường hô hấp trên, vi khuẩn ho gà bám chặt vào lông mao, sau đó giải phóng độc tố khiến nên tình trạng sưng viêm ở khu vực này. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. 

Bệnh ho gà khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân thường có đáp ứng tốt với thuốc và có dấu hiện cải thiện hoàn toàn chỉ sau 5 ngày. Nhưng nếu bệnh phát hiện chậm trễ, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, gây suy hô hấp với nguy cơ tử vong cao.
Triệu chứng ho gà
Sau khoảng 5 - 10 ngày kể từ khi nhiễm khuẩn, bệnh bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng này thường là đau họng, ho, sốt nhẹ và cảm lạnh. Theo Cục Y tế Dự phòng, dựa vào diễn tiến bệnh, thứ tự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh ho gà được chia làm 4 giai đoạn. Thứ nhất là thời kỳ ủ bệnh (dao động trong khoảng từ 6 - 20 ngày, chủ yếu rơi vào khoảng 9 - 10 ngày. Bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng bất thường nào).

Thời kỳ khởi phát (khoảng 1 - 2 tuần), kéo dài khoảng 10 - 14 ngày. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt nhẹ, chảy nước mắt, sổ mũi, ho, hắt hơi, chán ăn, bơ phờ, khàn tiếng. 

Thời kỳ toàn phát (khoảng 2 - 3 tuần), là lúc các triệu chứng của ho gà xuất hiện một cách rõ rệt và nặng hơn, gồm: Ho, thở rít, đờm, nôn mửa. Riêng với ho, thường là ho rũ rượi, ho thành cơn, trung bình 15 - 20 tiếng ho/cơn, tiếng ho càng lúc càng yếu và giảm dần. Cơn ho liên tiếp khiến trẻ trở nên yếu dần, có thể gặp phải tình trạng ngưng thở do thiếu oxy, đỏ mắt, da tím tái, nổi tĩnh mạch cổ, chảy nước mắt, nước mũi.

Cuối cùng là thời kỳ lui bệnh (khi được hỗ trợ điều trị và chăm sóc đúng cách), thường bắt đầu từ tuần thứ 4 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ được cải thiện và dần biến mất hoàn toàn. Một số trường hợp cơn ho tái phát, trở nặng gây viêm phổi.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch là các tốt nhất và hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh ho gà. Hơn nữa, khi mắc bệnh, bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ và dễ kiểm soát hơn.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh ho gà, khu vực sống, nhà ở, phòng học, nhà trẻ, khu vui chơi… cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng mặt trời. Các vật dụng trong nhà, nhất là đồ dùng cá nhân cần được vệ sinh bằng dung dịch vô khuẩn hàng ngày.

Bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân, trẻ cần được hướng dẫn rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi, trẻ cần lấy giấy che miệng và mũi lại, sau đó vứt giấy vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ. Đồng thời, trẻ nên hạn chế đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.