Cao điểm dịch sốt xuất huyết: Cần chủ động phòng bệnh

Hoàng Huyền
Bộ Y tế cho biết, thống kê từ các địa phương từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, tử vong tăng 24 trường hợp.

cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-can-chu-dong-phong-benh1-dulichgiaitri-doi-song-1655798970.jpg
Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết có thể quay trở lại chu kỳ dịch!

Chỉ tính riêng những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao.

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Các chuyên gia cũng nhận định, với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều, đồng thời với chu kỳ 4-5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết (kể từ đợt dịch sốt xuất huyết năm 2017), thì nguy cơ các ca mắc sốt xuất huyết có khả năng gia tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đến nay, thành phố ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 (7.388 ca), trong đó có 274 ca nặng. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,7% (274/16.057) tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4%.

Trong tuần từ ngày 10-16/6, TPHCM ghi nhận 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 606 ca (38,5%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết vì dịch có thể quay trở lại theo chu kỳ. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân gia tăng, có bệnh nhân nặng, nguy cơ biến chứng.

cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-can-chu-dong-phong-benh2-dulichgiaitri-doi-song-1655799012.jpg
 

Phòng bệnh như thế nào?

Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người dân không được tự ý dùng kháng sinh và cạo gió khi mắc sốt xuất huyết vì bệnh này do virus gây ra nên việc dùng kháng sinh sẽ không hiệu quả. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường có nguy cơ cô đặc máu, có thể dẫn tới tử vong, điều quan trọng nhất trong trường hợp này là bệnh nhân phải được bù đủ dịch. Cạo gió sẽ không hiệu quả đối với bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hiền Minh