Chủ động phòng dịch cho lúa Xuân tại Đồng bằng sông Hồng

Admin
(Chinhphu.vn) - Vụ lúa xuân 2025 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đang bước vào giai đoạn trổ bông, hứa hẹn năng suất cao nhờ điều kiện sinh trưởng thuận lợi. Tuy nhiên, với thời tiết phức tạp và nguy cơ dịch hại cuối vụ, các địa phương cần bám sát đồng ruộng để đảm bảo thắng lợi, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng.
Chủ động phòng dịch cho lúa Xuân tại Đồng bằng sông Hồng- Ảnh 1.

Các dịch hại khác như bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, và rầy nâu cuối vụ cũng đáng lo ngại trong điều kiện mưa nắng đan xen

Lúa xuân 2025 ở ĐBSH đang trong giai đoạn trổ rộ, ra hoa và kết hạt – thời điểm quyết định năng suất. Tại Nam Định, diện tích lúa xuân đạt 69.800 ha, với hơn 80% đã trổ, chất lượng đồng đều. Thái Bình ghi nhận 74.000 ha, cũng đạt 80% trổ bông. Theo ông Trần Văn Ninh, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định), sâu bệnh năm nay nhẹ hơn các năm trước, dự kiến năng suất tại Nam Định có thể đạt 71-72 tạ/ha. Công ty đã liên kết với nông dân sản xuất 1.200 ha giống và lúa xuất khẩu, cho thấy tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, thời tiết gần đây diễn biến phức tạp với mưa lớn kéo dài, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông và rầy nâu phát triển, đặc biệt khi nông dân lạm dụng đạm. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cảnh báo: "Mưa lớn kéo dài có thể ảnh hưởng đến quá trình trỗ bông, hình thành hạt, gây giảm năng suất. Đạo ôn cổ bông là mối đe dọa lớn, cần theo dõi sát để phòng trừ kịp thời". Các dịch hại khác như bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, và rầy nâu cuối vụ cũng đáng lo ngại trong điều kiện mưa nắng đan xen.

Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, Cục khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng đạm, tập trung cung cấp đủ nước để lúa dưỡng hạt, và phát hiện sớm bệnh đạo ôn để xử lý ngay từ đầu. Bà Hương nhấn mạnh: "Nếu thời tiết bất lợi, cần thu hoạch sớm với phương châm 'xanh nhà hơn già đồng', huy động lực lượng hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại". Dự báo bão sớm cũng đòi hỏi các địa phương sẵn sàng ứng phó ngập úng và ngã đổ.

Tại Thái Bình, ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết đã triển khai phun phòng đạo ôn hai giai đoạn: khi lúa bắt đầu trổ và sau khi thoát đòng. Dù rầy nâu chưa đáng lo, tỉnh vẫn tăng cường giám sát để phòng trừ sớm. Nam Định cũng chủ động với các biện pháp tương tự, chú trọng chăm sóc cây lúa khỏe và theo dõi dịch hại như bạc lá, rầy nâu, và đạo ôn cổ bông.

Nam Định đã chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó thời tiết cực đoan. Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, chia sẻ: "7 công ty thủy lợi sẵn sàng bơm tiêu úng, rút nước đệm khi có mưa lớn, đồng thời đảm bảo đủ nước cho lúa trỗ bông". Các phương án ứng phó ngập úng, ngã đổ đã được lên kế hoạch, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các huyện và đơn vị thủy lợi.

Thái Bình cũng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đảm bảo hệ thống thủy lợi vận hành hiệu quả. Ông Đỗ Quý Phương nhấn mạnh: "Thời tiết mưa nắng đan xen là điều kiện lý tưởng cho đạo ôn cổ bông và rầy nâu. Chúng tôi yêu cầu nông dân bám sát ruộng đồng, phòng trừ sớm để bảo vệ năng suất".

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khoa học công nghệ mở đường cho Đề án 1 triệu ha lúa 'xanh'Khoa học công nghệ mở đường cho Đề án 1 triệu ha lúa 'xanh'
Tham khảo thêm
Phát triển thành công hai giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giớiPhát triển thành công hai giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới