Chủ sân golf Hoàng Gia: 12 năm thua lỗ, dự án vướng nhiều sai phạm

Admin
Từ năm 2011 đến 2023, Đầu tư PV – Inconess luôn kinh doanh thua lỗ. Đầu năm 2024, cổ phiếu công ty đã rời sàn chứng khoán do bị huỷ tư cách đại chúng.

Hơn 89 triệu cổ phiếu rời sàn UPCoM

CTCP Đầu tư PV – Inconess tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư, thành lập ngày 15/6/2007.

PV-Inconess có vốn điều lệ ban đầu là 250 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã 4 lần tăng vốn điều lệ. Cụ thể, năm 2018, công ty đã hoàn thiện tăng vốn điều lệ lên 302,8 tỷ đồng. Cuối năm 2010, vốn điều lệ của công ty ở mức 305 tỷ đồng, 2013 là 691 tỷ đồng. Từ 2015 đến nay, công ty có mức vốn điều lệ 891 tỷ đồng. 

Trên website giới thiệu, PV-Inconess hoạt động trong nhiều lĩnh vực đầu tư, thương mại nhưng hoạt động chính là đầu tư và kinh doanh sân golf. 

Công ty tập trung đầu tư vào 2 dự án lớn tại thị xã Tam Điệp và huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là Dự án “Khu Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng”, có diện tích 670 ha, vòng đời dự án 69 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 103 triệu USD; Dự án “Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái” có diện tích 2.185 ha, vòng đời dự án 60 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 369 triệu USD. 

Những cổ đông sáng lập PV – Inconess bao gồm Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư, Công ty Tài chính Dầu khí, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí, Công ty Cổ phần Sông Đà 7 và Tổng công ty Sông Hồng.

Ngày 19/06/2017, cổ phiếu của PV-Inconess chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán RGC, giá tham chiếu 9.100 đồng/cổ phiếu, là doanh nghiệp sân golf duy nhất trên sàn chứng khoán khi đó. Tuy nhiên, đầu năm nay, hơn 89 triệu cổ phiếu RGC đã rời sàn với nguyên nhân là công ty bị huỷ tư cách đại chúng. 

PV – Inconess cho biết theo quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần khi công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Tuy nhiên, căn cứ danh sách cổ đông ngày 20/4/2023, các nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn đang cùng nắm giữ dưới 10% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Vì vậy, cơ cấu cổ đông công ty hiện không đáp ứng điều kiện quy định.

Chủ mới vận cũ?

Năm 2018, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường, PV-Inconess đã chấp thuận cho Công ty TNHH TCG Land - pháp nhân thuộc Tập đoàn Thành Công nhận chuyển nhượng hơn 66,8 triệu cp của PV-Inconess, tương đương 75% cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.

Ngày 30/3/2018, ông Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PV-Inconess thay cho Chủ tịch HĐQT trước đó là ông Nguyễn Đình Vinh. 

Ngày 6/7/2023, ông Tuấn tiếp tục được giao đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty thời kỳ 2023 - 2028. Ngoài PV-Inconess, ông Tuấn còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công. 

Trước khi về tay Thành Công Group, từ năm 2011, doanh nghiệp này đã lỗ gần 15 tỷ đồng và những năm sau đó vẫn liên tục kinh doanh kém khả quan. Kể cả khi đã đổi chủ, vận rủi dường như vẫn đeo bám PV-Inconess khi công ty này vẫn chìm trong thua lỗ. 

Thông tin sau cùng về tình hình kinh doanh của PV-Inconess báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, theo đó, kết thúc 9 tháng năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu dịch vụ golf, nhà hàng, phòng nghỉ đều ghi nhận sự tăng trưởng với doanh thu dịch vụ golf tăng 33% lên 24 tỷ đồng, doanh thu nhà hàng tăng hơn 1 tỷ đồng lên gần 4,7 tỷ đồng và doanh thu phòng nghỉ tăng 80% lên 2,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh 1,4 lần so với cùng kỳ lên 33 tỷ đồng khiến doanh nghiệp này lỗ gộp về bán hàng và dịch vụ hơn 765 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 887,4 triệu đồng.

Đồng thời, chi phí bán hàng của  PV-Inconess  tăng 63% so với cùng kỳ lên hơn 1,2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5,5% lên 2,4 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc tăng chi phí hoa hồng bán hàng, chi phí nhân viên quản lý, chi phí khấu hao tài sản… 

Kết quả, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng trong quý III/2023, gấp đôi so với khoản lỗ cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng năm 2023, PV-Inconess ghi nhận doanh thu hơn 100 tỷ đồng, tăng 38%. Công ty báo lỗ ròng 8,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/09/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận ở mức gần 1.448 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tài sản dài hạn. Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của PV-Inconess là hơn 726 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu kỳ. Chủ yếu là khoản nợ dài hạn với gần 684 tỷ đồng, chiếm 94,2%. Trong đó, phải trả dài hạn khác là 610,7 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản phải trả Công ty TNHH TCG Land theo hợp đồng góp vốn hợp tác kinh doanh về việc đầu tư xây dựng, khai thác và kinh doanh các dự án mà PV-Inconess là chủ đầu tư.

Ngoài ra, PV-Inconess còn nhiều lần bị xử phạt. Cụ thể, ngày 1/3/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 04 xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với PV-Inconess do tại thời điểm 1/9/2009, Đầu tư PV-Inconess đã đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, đến ngày 17/1/2011, Công ty mới nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN.

Năm 2015, công ty bị Cục Thuế Ninh Bình xử phạt, truy thu và đóng tiền chậm nộp thuế tổng số tiền 24,5 triệu đồng do không khai đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Năm 2021, công ty tiếp tục bị xử lý vi phạm về thuế cho thời kỳ kiểm tra từ 1/1/2017 đến 31/12/2020 với số tiền giảm lỗ hơn 1 tỷ đồng và phạt vi phạm hành chính hơn 7 triệu đồng. 

Gần đây nhất là hồi tháng 6/2023, công ty cũng đã bị Cục Thuế tỉnh Ninh Bình xử phạt và truy thu gần 90 triệu đồng tiền giảm lỗ, xử phạt và truy thu thuế do đã có hành vi khai sai các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 dẫn đến chuyển lỗ kỳ sau giảm 78 triệu đồng, kê khai sai người phụ thuộc trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021, 2022 dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Những vi phạm tại sân golf Hoàng Gia

Về dự án “Khu Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng” theo giới thiệu trên website, Sân golf Hoàng Gia bao gồm tổ hợp gồm ba sân golf 18 hố và được quy hoạch trên tổng diện tích là 670 ha tại huyện Yên mô và thành phố Tam Điệp. Royal Golf Course đã và đang đưa vào sử dụng hai sân golf: Sân Đồi Vua (King course), Sân Hoàng Hậu (Queen Course).

Trong đó, sân golf 18 hố Đồi Vua (King Course) được chính thức khai đưa vào hoạt động từ ngày 09/01/2010, có diện tích trên 100 ha và sân golf 18 hố Queen Course với tổng diện tích gần 150 ha. 

Trong báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2023 của công ty cho thấy, chi phí xây dựng cơ bản dở dang đang là hơn 283 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở dự án sân golf giai đoạn I với gần 98 tỷ đồng và dự án sân golf giai đoạn II hơn 10 tỷ đồng… Trong đó, chi phí của sân golf giai đoạn I được cho biết là các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng.

Hồi đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 203 thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng; công tác quy hoạch tại tỉnh Ninh Bình.

Trong kết luận thanh tra chỉ rõ Dự án Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng là một trong những dự án vướng mắc rất nhiều sai phạm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Cụ thể, Dự án Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng có quy mô trên 5ha nhưng không lập quy hoạch chi tiết 1/500, không bố trí nhà ở xã hội.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chủ sân golf Hoàng Gia: 12 năm thua lỗ, dự án vướng nhiều sai phạm

Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm của dự án golf 54 lỗ hồ Yên Thắng.

Bên cạnh đó, dự án trên còn hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất, chưa xác định bổ sung tiền thuê đất (điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tăng diện tích sàn), chậm nộp tiền thuê đất, không điều chỉnh đơn giá thuê đất sau khi hết chu kỳ ổn định 5 năm, miễn giảm tiền thuê đất. Ngoài ra, dự án này còn vi phạm về trật tự xây dựng; chậm xác định đơn giá thuê đất, ký hợp đồng thuê đất.

Sau quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Bình rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án còn tồn tại, thiếu sót một số nội dung về quy hoạch xây dựng; 

Xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính đúng, tính đủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước; xử lý việc chậm xác định nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất đối với một số diện tích; kiểm tra việc khai thác kinh doanh biệt thự, condotel đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật đối với dự án trên.

Ngoài ra, kết luận thanh tra của Chính phủ, cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (trường hợp cần thiết, phối hợp với các bộ ngành liên quan) kiểm tra, rà soát việc chuyển nhượng, xác định giá chuyển nhượng 66,8 triệu cổ phiếu (75% vốn sở hữu) tại Công ty PV-Inconess từ  Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Vietinbank (Vietinbank Capital) sang TCG Land, đảm bảo việc xác định giá cổ phiếu và việc chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật.