Chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị lễ hội đầu Xuân

Admin
(PNTĐ) - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, khắp mọi miền đất nước lại rộn ràng trong không khí lễ hội truyền thống. Đây không chỉ là dịp để vui chơi, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp người dân gắn kết với cội nguồn văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Lãnh đạo các chính đảng chúc mừng nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Tối nay (mùng 5 tháng Giêng), khai mạc Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội đầu Xuân, nét đẹp mang bản sắc Việt Nam

Ngày mùng 5 Tết, người dân Hà Nội và du khách thập phương lại nô nức tham gia lễ hội Gò Đống Đa để tưởng nhớ chiến thắng lừng lẫy của vua Quang Trung trước quân Thanh năm 1789. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước kiệu và tái hiện trận đánh lịch sử, điểm nhấn lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước” được trình diễn theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, giúp người dân ôn lại lịch sử hào hùng và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị lễ hội đầu Xuân - ảnh 1
Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 được tổ chức từ ngày 2 - 4/2. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức.

Nhắc đến những lễ hội đầu Xuân, không thể không kể đến lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất cả nước, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Đây không chỉ là dịp để người dân đi lễ cầu may, mà còn là cơ hội để hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, tận hưởng vẻ đẹp non nước hữu tình của vùng đất Phật linh thiêng.

Bên cạnh đó, lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định) vào rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng cũng là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tri ân công đức các vị vua Trần và cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng. Nghi lễ khai ấn được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương... thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự.

Không chỉ là dịp hành hương và lễ bái, lễ hội đầu Xuân còn là không gian để người dân thưởng thức những giá trị nghệ thuật truyền thống. Hội Lim (Bắc Ninh), diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng là nơi hội tụ của những liền anh, liền chị quan họ với những câu hát giao duyên mượt mà, đằm thắm, và là dịp để người dân thể hiện tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng...

Những lễ hội truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tùy theo từng vùng miền mà các lễ hội sẽ mang màu sắc khác nhau, nhưng tựu chung lại, các nghi lễ và hoạt động trong lễ hội đều thể hiện lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết và niềm tin vào những điều tốt đẹp trong năm mới.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, mỗi lễ hội đầu Xuân là một câu chuyện về lịch sử, tâm linh và nghệ thuật, phản ánh chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan trọng giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị lễ hội đầu Xuân là cách để mỗi người, mỗi địa phương thể hiện lòng tự hào và trách nhiệm với truyền thống cha ông, đồng thời tạo nên một bản sắc riêng, bền vững trong dòng chảy hội nhập và phát triển của đất nước.

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống càng trở nên quan trọng, điều này được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống được xem là một nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, hướng đến hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, có chính sách, bố trí kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, đền chùa, lăng miếu... đảm bảo các nghi thức lễ hội được tổ chức đúng truyền thống. Đồng thời khuyến khích các địa phương tổ chức các chương trình, hội thảo về di sản văn hóa, đào tạo nghệ nhân, phục dựng những lễ hội có nguy cơ bị mai một, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu sâu hơn về các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Nhiều lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị lễ hội đầu Xuân - ảnh 2
Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Hà Nội) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2010. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội truyền thống đang gặp không ít thách thức. Một số lễ hội bị biến tướng, trở thành nơi trục lợi thay vì giữ nguyên giá trị tín ngưỡng. Hiện tượng ép giá, thu phí vô lý hay lợi dụng niềm tin để trục lợi đã làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có của lễ hội. Các lễ hội lớn thường thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng triệu du khách, dẫn đến tình trạng chen lấn, xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, an ninh trật tự. Một số lễ hội cổ truyền dần bị mai một hoặc thay đổi so với hình thức nguyên bản...

Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, lễ hội đầu Xuân không chỉ là nghi thức truyền thống mà còn là “di sản sống” phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam. Để giữ gìn nét đẹp này lâu dài, cần có sự chung tay từ Nhà nước, cộng đồng và từng người dân. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Các địa phương chủ động gìn giữ nghi thức truyền thống, tránh thương mại hóa lễ hội, tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, truyền thông cho các lễ hội... Người dân, đặc biệt là giới trẻ cần tìm hiểu, tham gia lễ hội một cách ý thức, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc.

Dưới góc nhìn cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống, các đơn vị chức năng, chính quyền cơ sở cần chủ động ngăn chặn, bài trừ những hủ tục, những hành vi vi phạm pháp luật trong các lễ hội. Các lễ hội đầu Xuân phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách vui Xuân.