Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ

Admin
(Chinhphu.vn) - Mực nước trên sông Tích sáng nay vẫn đang ở mức cao trên báo động 3, không giảm so với mực nước ngày hôm qua. Vì vậy huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang rất nỗ lực để ứng phó với lũ lụt và ổn định đời sống nhân dân cũng như sản xuất.

Lực lượng thanh niên, dân quân xã Đông Yên huyện Quốc Oai hỗ trợ bà con thu hoạch lúa chống úng. VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, tính đến 6h ngày 14/9, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc của huyện Quốc Oai là 8,59 m, trên mức báo động 3 là 0,59 m. Mực nước này không giảm đi so với ngày hôm qua.

Hiện Quốc Oai có 8 xã có dân cư bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng là: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp, Hòa Thạch, Yên Sơn với 1.264 hộ, 5.369 nhân khẩu.

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 1.

Các lực lượng huyện Quốc Oai hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân vùng lũ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai đã tổ chức di dời người dân và tài sản thiết yếu ra khỏi vùng bão lũ nguy hiểm tại một số xã trên địa bàn huyện. Đồng thời các xã đã xây dựng phương án chủ động di dời các hộ gia đình, cá nhân vùng bị ảnh hưởng để ứng phó với lũ lớn sau hoàn lưu bão số 3. Thành lập 44 khu tạm cư và 8 tổ nhóm chuẩn bị đồ ăn, thực phẩm, nhu yếu phẩm tiếp tế.

Huyện đã sơ tán 256 hộ 989 nhân khẩu di chuyển về nơi an toàn. Trong đó có 186 nhân khẩu đến khu vực tạm cư tập trung của xã (Trường Mầm non Cấn Thượng 174 nhân khẩu; xã Phú Cát 12 nhân khẩu), số còn lại về nhà người thân.

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 2.

Các lực lượng luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Đồng thời huy động hơn 1.500 lượt người, gồm lực lượng quân đội, quân nhân chuyên nghiệp' dân quân cơ động, dân quân tại chỗ; nông dân, đoàn thanh niên; đội ngũ an ninh viên và 2 xuồng máy chuyên chở người dân, tài sản đi sơ tán và cung cấp nhu yếu phẩm cho khu vực bị ngập sâu.

Với tinh thần "tương thân tương ái", dù đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ nhưng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", nhà chùa Liên Trì, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai cùng các tổ chức đoàn thể đã tổ chức gói bánh chưng tặng cho các gia đình chính sách và đồng bào bị ảnh hưởng của mưa lũ tại huyện Quốc Oai và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 3.

Lãnh đạo huyện Quốc Oai thăm hỏi, động viên bà con ở nơi ở mới an toàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Mặc dù năm nay đã 82 tuổi, bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Liên Trì, xã Tuyết Nghĩa rất đồng cảm với những khó khăn với nhiều hộ dân trong huyện phải di chuyển đến nơi ở tạm. Khi nhà chùa Liên Trì tổ chức gói bánh chưng để tặng cho đồng bào bị ảnh hưởng của mưa lũ, bà đã tham gia cùng mọi người với mong muốn có thể góp phần nhỏ bé hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.

Chỉ trong 2 ngày phát động đã huy động được sự nhiệt tình hưởng ứng của mọi người cùng chung tay rửa lá, vo gạo, mua thịt…

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 4.

Lực lượng chức năng cùng người dân xã Tuyết Nghĩa "chia ngọt sẻ bùi", chung tay cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, Giáo viên Mầm non Tuyết Nghĩa, mỗi người một tay một chân để những cặp bánh chưng sớm đến tay người cần đang ở tạm tại các điểm sơ tán trong toàn huyện.

Sư thầy Thích Trường Xuân, Trụ trì Chùa Liên Trì cho biết, từ sự đoàn kết, chung lòng của mọi người dân xã Tuyết Nghĩa, chỉ trong 2 ngày, hơn 7 tạ gạo với gần 2.000 chiếc bánh chưng đã được gửi đến cho người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 5.

Các cháu nhỏ được tổ chức sinh nhật ấm cúng tại nơi ở sơ tán. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trong hoạn nạn, khó khăn tinh thần đoàn kết, sẻ chia của dân tộc Việt Nam đã được phát huy cao độ trong những ngày mưa lũ đỉnh điểm của Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa cho biết, những người dân vùng lũ đang rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm để cùng với chính quyền chăm lo cho bà con các nhu yếu phẩm cần thiết đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tại nơi tạm lánh.


Rút dư kỹ thuật làm tràn xả lũ tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Nguồn: Huyện Quốc Oai.

Tập trung khắc phục sự cố đê điều

Về công tác khắc phục đê điều, ông Phạm Quang Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện tuyến đê Tả Tích đoạn qua xã Ngọc Liệp có hiện tượng bị rạn nứt dọc mặt đê khoảng 50 m, sâu khoảng 60cm. Bên cạnh đó, một số tuyến đê bao, đê bối Tả Tích, Hữu Tích bị tràn với tổng chiều dài 7,6 km tại các khu vực: Liệp Mai xã Ngọc Liệp; Phú Bàn xã Phú Cát, Khoang Ông, Đồng Mạ xã Hòa Thạch; Gò Rồm xã Đông Yên; Minh Khai xã Cấn Hữu. Tràn một số điểm tại tuyến đê bao Đông Thượng, xã Đông Yên chiều dài hơn 300m. Hiện nay các khu vực này nước đang rút dần.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, UBND các xã đã huy động lực lượng hơn 900 lượt người dân quân tự vệ, nhân dân các thôn, xóm; huy động hơn 120 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102, Sư Đoàn 308, Z119… tham gia đắp bao tải đất chống tràn, huy động hơn 18.000 bao tải, 200 m3 đá, 300 m3 đất cát, 200 dọ đá; các phương tiện máy móc và các dụng cụ cuốc, xẻng của nhân dân…. Ban chỉ huy PCTT&TCKN huyện hỗ trợ các xã hơn 10.000 bao tải để thực hiện công tác chống tràn và xử lý sự cố đê điều.

Như trong sáng ngày 12/9, đã huy động hơn 100 lượt người và vật tư tại chỗ gồm hơn 1.000 bao tải, hơn 100m3 đất, cát; 2 ô tô, 1 máy nâng chống tràn đoạn đê đồng Mạ xã Hòa Thạch chiều dài gần 500m. Hay như chiều ngày hôm qua (13/9), huyện đã huy động 120 người lượt người và vật tư tại chỗ chống tràn đoạn đê Gò Rồm, thôn Việt Yên, xã Đông Yên với chiều dài khoảng 200m...

Chung tay khắc phục thiên tai cùng nhân dân vùng lũ- Ảnh 6.

Các lực lượng chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ, chung tay giúp đỡ bà con trong mọi hoàn cảnh.Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Bên cạnh đó, huyện cùng các đơn vị, địa phương đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất như cung ứng nhu yếu phẩm cần thiết từ nhiều nguồn hỗ trợ, thuốc men, thăm khám chữa bệnh hay chung tay cùng bà con vùng lũ thu hoạch lúa. Đồng thời triển khai phương án ứng phó bảo vệ, phục hồi sản xuất vụ Mùa và vụ Đông Xuân năm 2024-2025.

TIN LIÊN QUANĐiều trị tốt nhất cho bệnh nhân ảnh hưởng bởi thiên taiBáo động lũ trên sông lớn, các quận huyện tổng lực ứng phó khắc phục thiên taiBáo động lũ trên sông lớn, các quận huyện tổng lực ứng phó khắc phục thiên tai

Để tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt và phục hồi sản xuất khi lũ rút. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai yêu cầu các Tiểu Ban chỉ huy các tuyến đê: Tả Tích, Đê Đáy, Hữu Tích, Bán Sơn địa phải tiếp tục trực 24/24h theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thời tiết để thông báo hướng dẫn kịp thời thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai như mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... có thể xảy ra.

Tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện bảo vệ đê, tổ chức ứng trực, thường xuyên kiểm tra các tuyên đê, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra sự cố, bảo vệ hiện trường, hạn chế người, phương tiện qua lại tại khu vực sự cố, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trọng chạy trên đê.

Chủ động bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; tiếp tục thực hiện phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Với phương châm nước rút đến đâu thực hiện tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng đến đó để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân vùng bị ngập.

Thiện Tâm