Chung tay ngăn chặn kháng kháng sinh

Admin
(Chinhphu.vn) - Giải quyết vấn đề kháng kháng sinh đòi hỏi sự hợp tác giữa các ngành y tế, động vật và môi trường, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị tư nhân, người làm nông nghiệp và các cá nhân.
Chung tay ngăn chặn kháng kháng sinh- Ảnh 1.

Nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát thì dự kiến sẽ làm giảm tuổi thọ và dẫn đến chi phí y tế cao và thiệt hại kinh tế chưa từng có - Ảnh minh họa

Nguy cấp tình trạng kháng kháng sinh

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), trên toàn cầu, kháng thuốc là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trực tiếp chịu trách nhiệm cho 1,27 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó cứ năm trẻ dưới năm tuổi thì có một trường hợp tử vong vì kháng kháng sinh, chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số ca tử vong xảy ra ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát thì dự kiến sẽ làm giảm tuổi thọ và dẫn đến chi phí y tế cao và thiệt hại kinh tế chưa từng có.

Có tới 28 triệu người trên thế giới có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực nếu vấn đề kháng thuốc không được giải quyết.

Khoảng 75% kháng sinh được sử dụng cho vật nuôi không được hấp thụ vào cơ thể của chúng mà được thải ra môi trường, đất và nước, điều này có thể gây ô nhiễm và ảnh hưởng xấu trực tiếp đến môi trường xung quanh.

Mặc dù một trong những giải pháp là phát triển các phương pháp điều trị mới, nhưng điều này vẫn chưa đủ để giải quyết mối đe doạ ngày càng gia tăng của kháng thuốc.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022 đã tiết lộ mức độ kháng kháng sinh đáng báo động, khiến bệnh nhân còn rất ít sự lựa chọn khi điều trị bệnh.

Tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng vi khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng, là những loại thuốc được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho con người, động vật và thực vật. Kết quả là, các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được, điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, bệnh có diễn biến nặng hơn, dẫn đến tàn tật, và tử vong.

Kháng kháng sinh có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở y tế, động vật, thực phẩm, đất và nước, kháng kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe doạ lớn nhất đối với y tế công cộng và sự phát triển toàn cầu.

Tại Việt Nam, Ngành NN&PTNT đang chung tay với ngành Y tế trong kháng kháng sinh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc trong nông nghiệp, đồng thời kêu gọi nông dân sử dụng "đúng thuốc" cho "đúng bệnh" và dùng "đúng liều lượng" trong những trường hợp thực sự cần thiết.

"Chúng tôi đã triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2017. Kể từ đó, nhiều quy định đã được ban hành hoặc sửa đổi để giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều quan trọng là Chính phủ các cấp từ trung ương đến địa phương và cộng đồng phải hỗ trợ việc thực hiện các quy định này và thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia. Mỗi người dân Việt Nam, dù tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hay không cũng có thể hỗ trợ bằng cách sử dụng đúng thuốc cho đúng bệnh với liều lượng đúng theo quy định", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngay cả khi đạt được những cột mốc quan trọng kể từ khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2013, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong việc ngăn chặn và kiểm soát xu hướng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trong ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức kêu gọi người dân Việt Nam chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Theo Thứ trưởng Thức, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc phòng chống kháng thuốc, nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ngành nông nghiệp, động vật, thực vật và môi trường.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia của ngành y tế giai đoạn 2024-2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược phòng chống kháng thuốc. Thứ trưởng Thức đề nghị sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ nhân viên y tế đến người dân, để cùng nhau đạt được mục tiêu ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Quốc tế ghi nhận đóng góp  trong việc kháng kháng sinh của Việt Nam

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.

Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh: "Chiến lược Quốc gia của Việt Nam nhận định kháng thuốc kháng sinh là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và nền kinh tế, và là mối đe doạ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển trong nước và các mục tiêu quốc tế khác như Mục tiêu Phát triển Bền vững. Do vậy, cần hành động, phối hợp mạnh mẽ hơn từ các cá nhân và tất cả các lĩnh vực của xã hội và kinh tế, bao gồm sức khoẻ con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược Quốc gia. Trên toàn cầu và ở Việt Nam, một số loại kháng sinh đã cứu sống hàng triệu người kể từ khi chúng được phát minh, giờ đã mất đi khả năng chữa bệnh. Thời điểm hành động là ngay bây giờ".

Các hành động để ngăn chặn kháng thuốc bao gồm cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh và vệ sinh môi trường (WASH) cho con người và động vật; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trong các gia đình, cơ sở y tế, trang trại và cơ sở công nghiệp thực phẩm; cải thiện việc tiếp cận vắc xin, chẩn đoán và kê đơn thuốc; giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo quản lý chất thải và vệ sinh đúng cách; và nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh.

Tiến sĩ Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị cấp cao về kháng thuốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 26/9 sắp tới.

Hội nghị này được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp bền vững để chống lại tình trạng kháng thuốc. Ngăn chặn và ứng phó với kháng thuốc sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho ngành sản xuất thực phẩm, sức khỏe động vật, môi trường và ngành y tế.

FAO đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác để xây dựng một tuyên bố chính trị chung, nhằm tăng cường nỗ lực ứng phó với kháng thuốc trên toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sự hiệu quả của kháng sinh và đảm bảo việc sử dụng kháng sinh hợp lý và bền vững, góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Ông Iain Frew, Đại sứ Anh đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại tình trạng kháng thuốc. Ông nhấn mạnh vai trò tiên phong của Việt Nam trong khu vực và cam kết Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong Kế hoạch Hành động Quốc gia phòng, chống kháng thuốc vào năm 2013.

Đại sứ Iain Frew cũng kỳ vọng Hội nghị sắp tới về kháng kháng sinh tại Liên hợp quốc sẽ là cơ hội để các quốc gia cùng nhau đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn. WHO, FAO, Đại sứ quán Anh và các đối tác khác cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chống kháng thuốc nhằm bảo vệ sức khỏe và sự phát triển.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chống lạm dụng kháng sinh trên người và vật nuôi Chống lạm dụng kháng sinh trên người và vật nuôi
Tham khảo thêm
1,5 triệu người tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh1,5 triệu người tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh