Tp.HCM tìm cách tái khai thác các rạp hát cũ, ngừng hoạt động

Admin
Nhiều rạp hát tại Tp.HCM đã ngừng hoạt động, gây lãng phí cơ sở văn hóa giữa trung tâm thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đang lên kế hoạch đầu tư, cải tạo để đưa các rạp hát này trở lại phục vụ công chúng.

Hiện, nhiều rạp hát tại Tp.HCM như: Kịch Sài Gòn, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Rạp Công Nhân đều đã đóng cửa và không còn hoạt động biểu diễn, gây lãng phí nguồn lực văn hóa ngay giữa trung tâm thành phố.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đang đề xuất những giải pháp cải tạo và tái khai thác các "mặt bằng vàng", không chỉ nhằm phát huy giá trị công trình mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng của người dân.

Chiều ngày 14/11, Đại diện sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cho biết, thống kê hiện nay cho thấy, Tp.HCM có 12 rạp hát thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao, nhưng chỉ có 2 rạp là Nhà hát Thành phố và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đáp ứng đủ điều kiện biểu diễn phục vụ nhu cầu của người dân.

Tp.HCM tìm cách tái khai thác các rạp hát cũ, ngừng hoạt động- Ảnh 1.

Rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, quận 1) đã đóng cửa từ lâu. (Ảnh: Minle).

Trong số những cơ sở văn hóa lớn còn hoạt động, Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành cũng là những địa điểm văn hóa tiêu biểu nhưng không trực thuộc Sở quản lý.

Hầu hết các nhà hát, rạp hát này được tiếp quản từ năm 1975 và đến nay vẫn chưa được cải tạo mở rộng. Nhiều cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn an toàn và không đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho công chúng.

Lý do NSND Hồng Vân tuyên bố đóng cửa rạp hát 14 nămLý do NSND Hồng Vân tuyên bố đóng cửa rạp hát 14 nămĐỌC NGAY

Để khắc phục tình trạng lãng phí, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cấp và phát triển các cơ sở văn hóa này trong giai đoạn 2026-2030.

Song song với đầu tư công, Sở cũng đang xem xét áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP), kêu gọi đầu tư từ các tổ chức và cá nhân quan tâm. Đồng thời, chú trọng phát triển thiết chế văn hóa theo hướng vừa bảo tồn, vừa hiện đại hóa, đưa vào sử dụng những không gian văn hóa đa năng.

Mục tiêu không chỉ là khôi phục lại các điểm văn hóa bị lãng quên mà còn tạo thêm không gian giải trí, giao lưu văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân Tp.HCM.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM, các sân khấu biểu diễn như: Kịch Sài Gòn (130 Cao Thắng, quận 3), Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội (243 Lý Tự Trọng, quận 1), Rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, quận 1) đã lần lượt đóng cửa do nhiều lý do khác nhau. Kịch Sài Gòn là sân khấu tư nhân do nghệ sĩ Phước Sang đầu tư, nhưng hiện đã ngừng hoạt động và giải thể.

Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội từng được giao cho Nhà hát quản lý nhưng từ năm 2017 đã chuyển quyền cho Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy hoạch của thành phố, phục vụ tái cấu trúc quỹ đất công. Rạp Công Nhân do Nhà hát Kịch Thành phố quản lý cũng phải tạm ngưng hoạt động biểu diễn, do không đảm bảo điều kiện an toàn sau một sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi duy trì các hoạt động hành chính của Nhà hát Kịch. Sở Văn hóa và Thể thao đang xem xét bố trí nguồn vốn công trung hạn từ 2026-2030 để cải tạo triệt để Rạp Công Nhân, đưa nơi đây trở lại phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật.