CII vào diện cảnh báo, “trùm” đất Thủ Thiêm có đảo ngược được tình thế?

Admin
Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động thu phí BOT, bất động sản và xây dựng của CII khiến doanh nghiệp gánh lỗ 332 tỷ đồng năm 2021.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (MCK: CII) vừa đưa ra thông báo giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng cảnh báo.

Động thái này của doanh nghiệp đến từ việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trước đó đã ra quyết định đưa cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM vào diện cảnh báo từ ngày 30/3.

Nguyên nhân do công ty này có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm 332,4 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.

Trước đó, HoSE đã có thông báo bổ sung cổ phiếu CII vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm.

Nguyên nhân chính do chịu ảnh hưởng của Covid-19

CII cho biết, nguyên nhân làm lợi nhuận sau thuế của công ty công ty mẹ năm 2021 âm là do trong năm 2021, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng với việc giãn cách xã hội kéo dài khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Là doanh nghiệp có mảng kinh doanh chính là thu phí cầu đường, bất động sản, thi công xây lắp, công ty đã chịu những ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể:

Đối với mảng cầu đường: CII cho biết các trạm thu phí đường bộ đóng trên các địa bàn thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính Phủ phải tạm dừng thu phí từ ngày 20/07/2021 đến khi địa phương công bố dỡ giãn cách theo chỉ thị 16. Do đó, các trạm thu phí thuộc CII đều tạm dừng thu phí một thời gian theo quy định. Qua đó, ảnh hưởng đến Doanh thu thu phí cũng như nguồn tiền thanh toán nợ và lãi vay dự án.

Đối với mảng bất động sản: Tình hình dịch bệnh cũng tác động đến thu nhập của người dân, dẫn đến nhu cầu đầu tư bất động sản bị sụt giảm nghiêm trọng, khách hàng chậm thanh toán theo tiến độ các hợp đồng mua nhà, ảnh hưởng đến dòng thu của dự án, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch giảm nợ và giảm áp lực lãi vay của công ty.

Đối với mảng thi công xây lắp: Các công trường tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách, dẫn đến việc thanh toán cho nhà thầu cũng bị chậm/hoãn lại, khiến cho Doanh thu từ hoạt động xây dựng, duy tu, xây lắp công trình của doanh nghiệp bị suy giảm.

Nhưng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), tất cả Chi phí phát sinh của doanh nghiệp vẫn phải được hạch toán trong kỳ. Cho nên, nếu xét về góc độ tài sản của doanh nghiệp thì sự thiệt hại về tài chính là không quá lớn nhưng xét về góc độ hạch toán kế toán thì tạo ra chênh lệch rất lớn giữa Doanh thu và Chi phí đã dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của cổ đông công ty mẹ âm 332,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong quý 4/2021, Công ty đã thực hiện thoái vốn thành công 25,4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB), thu về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng.

Tuy nhiên, theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, do NBB vẫn là công ty con của Công ty CII nên khoản lợi nhuận này được ghi tăng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối (trên bảng cân đối kế toán) mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất (trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh).

Dự kiến thu hồi vốn và các khoản lợi nhuận đầu tư trong năm 2022

Về phương án khắc phục và kế hoạch hoạt động năm 2022, CII cho biết, trong năm 2022, Công ty sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh sau ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 trong năm 2021.

Cụ thể, mảng cầu đường: Trong năm 2022, CII dự kiến sẽ bắt đầu thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ quý 2/2022, giúp cho Công ty tạo được dòng tiền mạnh, qua đó đảm bảo được khả năng trả nợ và tính an toàn tài chính cho Công ty. Theo đó, tổng doanh thu thu phí cầu đường trong năm 2022 ước đạt từ 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm dự án Trung Lương - Mỹ Thuận) đến hơn 2.200 tỷ đồng (bao gồm dự án Trung Lương - Mỹ Thuận).

Mảng bất động sản: CII chia sẻ hiện đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết và đang sở hữu một quỹ đất sạch khá lớn tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác như dự án 152 Điện Biên Phủ, dự án NBB2, NBB3, Dự án khu dân cư kết hợp nghỉ dưỡng De Lagi, dự án KDC Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, dự án D’Veranal,... Đây được cho rằng sẽ là nguồn thu rất lớn cho Công ty trong 5 năm tới. 

Do đó, dự kiến tổng số tiền ròng còn thu được từ danh mục các dự án bất động sản sẽ lên đến 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

Về các hoạt động tài chính: CII cho biết sẽ tiếp tục thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư từ việc bán cổ phiếu quỹ, giảm tỷ lệ sở hữu tại NBB và thoái vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (MCK: SII), qua đó giúp công ty gia tăng được nguồn vốn chủ sở hữu. 

CII nhận định đây cũng sẽ là cơ sở để công ty có thể hoàn trả các khoản nợ tài chính tại công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2023 qua đó, nâng cao sức khỏe tài chính và gia tăng hệ số an toàn vốn của doanh nghiệp.

Cũng theo CII, bên cạnh việc lập Báo cáo tài chính theo chế độ kế toán Việt Nam hiện hành, CII cũng đang trong lộ trình chuyển đổi Báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Nếu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của CII được áp dụng tiệm cận các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì tình hình tài chính và tổng thu nhập toàn diện của Công ty sẽ có những thay đổi đáng kể so với việc lập và trình bày theo các chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành (VAS).

Cụ thể, tổng giá trị tài sản hợp nhất của Công ty tại ngày 31/12/2021 là vào khoảng 35.443 tỷ đồng, tăng 4.573 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính theo VAS.

Tổng thu nhập toàn diện thuộc về cổ đông công ty mẹ cho năm 2021 là vào khoảng 1.890 tỷ đồng, tăng 2.223 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính theo VAS.

Cùng với đó, mới đây vào ngày 4/03, HĐQT CII đã thông qua kế hoạch tài chính năm 2022 để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên với tổng doanh thu đạt hơn 8.010 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ CII đạt hơn 756,786 tỷ đồng.

Bất động sản - CII vào diện cảnh báo, “trùm” đất Thủ Thiêm có đảo ngược được tình thế?

Diễn biến thị giá cổ phiếu CII.

Trên thị trường, cổ phiếu CII được nhận định là cổ phiếu hưởng lợi nhất sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm do đây là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại khu vực này.  Sau khi phiên đấu giá này khép lại, thị giá CII đã tăng một mạch từ vùng 25.000 đồng/cổ phiếu lên tới 58.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng, tương đương mức tăng ròng 132%.

Tuy nhiên, sau khi Tân Hoàng Minh tuyên bố bỏ cọc lô đất này, thị giá CII đã lao dốc nhanh về vùng dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, với nhiều phiên giảm sàn liên tiếp. Hiện cổ phiếu CII đang ở trong diện cảnh báo và giao dịch trong vùng giá 30.700 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 31/3).