Cơ hội mới cho sầu riêng Đắk Lắk

Admin
Việc được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc” đã tạo ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy tiềm năng phát triển sản phẩm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk.

Sầu riêng được công nhận nhãn hiệu

Sáng 17/3, Huyện ủy Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Phước An và công bố, trao giấy chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc.

Theo báo cáo, toàn huyện Krông Pắc có tổng diện tích các loại cây trồng ước tính 46.322ha. Trong đó, diện tích sản xuất cây sầu riêng có 3.341ha (diện tích cho thu hoạch khoảng 2.400ha đến 2.500ha). Tổng sản lượng ước tính đạt 45.000 tấn/năm.

Theo UBND huyện Krông Pắc, cây sầu riêng được đưa vào trồng xen trong vườn cà phê trên địa bàn huyện từ năm 2004 do Công ty cà phê Phước An triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện và được phát triển mở rộng diện tích trồng từ năm 2010 cho đến nay.

Hiện nay, cây sầu riêng có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân cũng như các cơ sở, đại lý thu mua sơ chế, đóng gói, xuất bán, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn.

Xu hướng thị trường - Cơ hội mới cho sầu riêng Đắk Lắk

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc nói về những khó khăn đối với nghề trồng sầu riêng.

Trong các năm 2019, năm 2020, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chuyên môn, đơn vị tư vấn, UBND các xã, hướng dẫn người dân nắm bắt và áp dụng các quy trình sản xuất về an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn trong sản xuất sầu riêng ăn trái trên địa bàn huyện.

Đến nay, số diện tích sầu riêng đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn huyện là 581ha với 497 hộ dân sản xuất, tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, nghề trồng sầu riêng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, người nông dân canh tác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm mà chưa hiểu rõ đặc tính sinh trưởng cây trồng, gặp khó khăn trong kỹ thuật canh tác, kỹ thuật xử lý cho ra hoa đậu trái và chưa tạo được sản phẩm đồng đều về chất lượng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ các vườn trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) còn rất hạn chế, hoạt động của các hợp tác xã, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng chưa phát huy tốt hiệu quả.

Mặt khác, từ trước đến nay các hộ trồng sầu riêng hầu như không chủ động được đầu ra và giá bán mà chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái. Do đó, giá trị của trái sầu riêng Krông Pắc mang lại chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Đặc biệt, cây sầu riêng Krông Pắc chưa có thương hiệu trên thị trường, người nông dân chưa nhận thức đầy đủ về việc liên kết với nhau trong quản lý và phát triển thương hiệu để tạo sức cạnh tranh và tăng giá trị cho trái sầu riêng Krông Pắc.

Ngoài ra, danh tiếng và chất lượng của trái sầu riêng Krông Pắc còn có nguy cơ bị đe dọa do chưa ngăn chặn được việc các khu vực trồng sầu riêng ngoài địa bàn Krông Pắc có chất lượng kém hơn, nhưng vẫn dùng tên sầu riêng Krông Pắc trong giao thương để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho người trồng sầu riêng tại vùng Krông Pắc.

Xu hướng thị trường - Cơ hội mới cho sầu riêng Đắk Lắk (Hình 2).

Tổng sản lượng sầu riêng của huyện Krông Pắc ước tính đạt 45.000 tấn/năm.

Trước những yêu cầu về phát triển nông nghiệp bền vững và nguyện vọng của người nông dân trồng sầu riêng vùng Krông Pắc, Đảng bộ huyện Krông Pắc đã kịp đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện phối hợp với các sở ngành của tỉnh triển khai việc xây dựng nhãn nhiệu tập thể sầu riêng Krông Pắc nhằm tạo thương hiệu cho trái sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Sau hơn 2 năm triển khai, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, huyện Krông Pắc đã đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể sầu riêng Krông Pắc.

Xu hướng thị trường - Cơ hội mới cho sầu riêng Đắk Lắk (Hình 3).

Đại diện các sở, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian Sầu riêng Krông Pắc” cho huyện Krông Pắc.

Đến ngày 8/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian Sầu riêng Krông Pắc”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có số 413207, có hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp, chủ Giấy chứng nhận là Hội Nông dân huyện Krông Pắc.

Hướng đi đúng đắn

Phát biểu tại lễ công bố, trao giấy chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức được rằng nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắc được chứng nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị và tạo uy tín cho thương hiệu nông sản thế mạnh của địa phương trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đồng thời, giúp cho người nông dân ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa, yên tâm đầu tư sản xuất, tăng thu nhập. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân.

Từ đó, giúp cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của chứng nhận nhãn hiệu nông sản, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất để sản phẩm sầu riêng Krông Pắc sớm trở thành một thương hiệu phát triển mạnh trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Trong những năm qua, chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Krông Pắc có bước đi đúng hướng, từng bước xây dựng nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc. Đây là cả quá trình được tạo ra từ đặc thù, đặc trưng riêng của nhãn hiệu sầu riêng.

Kết quả, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đây là thành công lớn đối với huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung trong phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với sản phẩm sầu riêng đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Mặt khác, đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn tạo cơ hội thúc đẩy tiềm năng phát triển sản phẩm sầu riêng trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu thị trường thế giới mang lại lợi ích lâu dài cho người dân”.

Xu hướng thị trường - Cơ hội mới cho sầu riêng Đắk Lắk (Hình 4).

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, quan trọng nhất phải biết gìn giữ, tôn tạo, phát triển nhãn hiệu và quảng bá ra bên ngoài để người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến.

Để làm được điều đó, huyện Krông Pắc phải có chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý nhãn hiệu và có kế hoạch từng bước tuân thủ các quy định, quy chế khi sử dụng nhãn hiệu cho mỗi cá nhân, tập thể khi sử dụng nhãn hiệu. Hơn nữa, quá trình bảo vệ nhãn hiệu phải có giải pháp ngăn ngừa tình trạng giả thương hiệu, gian lận…..

Cũng theo ông Dương, việc hình thành các hợp tác xã là yếu tố quan trọng trong việc quản lý nhãn hiệu ngày càng hiệu quả, chất lượng. Do đó, cần tăng cường liên kết sản xuất của hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân.

Xác định đây là vấn đề cốt lõi, mắt xích quan trọng, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và đảm bảo giá thành, tăng giá trị, đảm bảo đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.

Khánh Ngọc