Cổ phiếu doanh nghiệp thuộc Petrolimex tăng 32 lần từ đầu năm sắp rời UPCoM

Admin
Tính từ đầu năm đến nay, mã PTX của PTS Nghệ Tĩnh đã tăng tới 32 lần, từ vùng giá quanh 400 đồng/cổ phiếu lên 15.900 đồng/cổ phiếu. Sắp tới mã này sẽ được chuyển từ sàn UPCoM sang HNX.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch hơn 64,3 triệu cổ phiếu PTX của CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTS Nghệ Tĩnh) trên sàn UPCoM.

Ngày hủy đăng ký giao dịch là 30/9, ngày giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM là 27/9.

Nguyên nhân hủy đăng ký giao dịch là cổ phiếu PTX được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Lên sàn tháng 7/2018 đến nay, nhưng phải đến cuối tháng 5 năm nay mã này mới ghi nhận biến động. Từ mức 640 đồng/cổ phiếu ngày 24/5, đến kết phiên ngày 20/9 mã này đã ở mức 15.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 25 lần. Nhìn xa hơn, so với hồi đầu năm thị giá mã này đã tăng 32 lần.

Thực tế, mã này đã chạm đỉnh 21.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/8 vừa qua rồi điều chỉnh về thị giá hiện tại.

Cổ phiếu doanh nghiệp thuộc Petrolimex tăng 32 lần từ đầu năm sắp rời UPCoM- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu PTX từ đầu năm đến nay (Nguồn: TradingView).

Cổ phiếu tăng phi mã nhưng PTX cũng ghi nhận nhiều phiên trắng thanh khoản, thường chỉ khớp lệnh trung bình khoảng vài trăm đơn vị/ngày. Kể từ khi chịu sự điều chỉnh vào phiên 25/8 đến nay, thanh khoản của PTX mới tăng vọt lên khoảng gần 8.000 đơn vị/ngày. Trong đó phiên 26/8 thanh khoản cao đột biến với 36.731 đơn vị khớp lệnh, đây cũng là con số kỷ lục trong hơn 6 năm niêm yết trên UPCoM của PTX.

Việc cổ phiếu PTX tăng nóng trong thời gian gần đây khiến PTS Nghệ Tĩnh liên tục phải giải trình. Tuy nhiên, công ty lại giải trình theo kiểu "văn mẫu" khi cho rằng cổ phiếu tăng vọt chủ yếu do yếu tố cung - cầu trên thị trường chứng khoán. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. Hiện tại, toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường và ổn định.

Cổ phiếu doanh nghiệp thuộc Petrolimex tăng 33 lần trong một quý

Từ khi lên sàn tháng 7/2018 đến nay, năm nào PTS Nghệ Tĩnh cũng chia cổ tức bằng tiền với tỉ lệ khoảng 8-15%. Đà tăng phi mã vừa qua của PTX cũng một phần xuất phát từ câu chuyện cổ tức.

Cụ thể, vào ngày 11/6, PTS Nghệ Tĩnh thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/6 để chia cổ tức bằng tiền với tỉ lệ cao kỷ lục 15%. Thời điểm đó, PTX đang giao dịch trên sàn với giá 2.500 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh).

Về kết quả kinh doanh, từ năm 2017 đến nay, PTS Nghệ Tĩnh đều ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nổi bật là hai năm 2022 và 2023 doanh thu đều ở mức trên 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt kỷ lục là 10,3 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng.

Sang 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 1.076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,6 tỷ đồng; lần lượt tăng 4% và 40% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch năm đề ra, PTS Nghệ Tĩnh đã hoàn thành 58% mục tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

PTS Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Xí nghiệp Vận tải Xăng dầu với vốn điều lệ ban đầu là 7,5 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đại diện nguồn vốn Nhà nước chiếm 30% vốn. Đến năm 2004, PTS Nghệ Tĩnh tăng vốn điều lệ lên 11,5 tỷ đồng, đồng thời cổ đông Nhà nước cũng tăng tỉ lệ sở hữu lên 51% vốn.

Tháng 6/2010, PTS Nghệ Tĩnh tăng vốn điều lệ lên 23 tỷ đồng, giữ nguyên tỉ lệ vốn Nhà nước là 51%. Đầu năm 2017, công ty tiếp tục vốn điều lệ tăng lên 34,5 tỷ đồng. Tháng 8/2017, Petrolimex thành lập Tổng Công ty dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) và chuyển giao phần vốn tại PTS Nghệ Tĩnh cho PTC quản lý.

PTS Nghệ Tĩnh tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính như vận tải xăng dầu, bán buôn và bán lẻ xăng dầu, cùng với đào tạo sát hạch lái xe cơ giới.

Theo PTS Nghệ Tĩnh, dịch vụ vận tải xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của hãng. Doanh nghiệp có tổng cộng 81 đầu xe, trong đó có 21 xe đầu kéo với dung tích bình quân 40 m3/xe, đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển xăng dầu cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, một phần Thanh Hóa, Quảng Bình và nước Lào.