Những thực phẩm này được bày bán khắp nơi, đặc biệt tập trung ở cổng trường học, khu vui chơi, công viên, bên lề đường… Nhìn bề ngoài, những thực phẩm ăn vặt này rất bắt mắt, nhiều màu sắc, giá rẻ nên được trẻ nhỏ rất ưu chuộng mua ăn. Tuy nhiên, đây lại là những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, nhiều đường, nếu ăn nhiều, thường xuyên sẽ gây ngộ độc, không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, việc bố mẹ nuông chiều con, luôn đáp ứng nhu cầu ăn của trẻ theo sở thích đã vô tình khiến trẻ tiếp cận với những thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Vì thế, bố mẹ cần hiểu rõ nguy hại của các loại thực phẩm vỉa hè, đồ ăn nhanh, từ đó tìm cách khiến trẻ tránh xa những loại thực phẩm mất vệ sinh. Trẻ nhỏ thường thích ăn vặt nhưng các đồ ăn vặt kiểu chiên rán, đồ ngọt có hàm lượng đường cao lại không tốt cho sức khỏe. Bố mẹ nên thay thế đồ ăn vặt bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng như: Hoa quả tươi, sữa chua, bánh quy… Những món ăn này vừa có lợi cho sức khỏe, mùi vị thơm ngon dễ được trẻ hưởng ứng.
Những thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh còn được gọi là “thực phẩm rác”. Khi trẻ ăn nhiều “thực phẩm rác” nhiều dầu mỡ, lượng đường, lượng muối cao sẽ khiến trẻ dễ béo phì, mắc bệnh thận, bệnh huyết áp, tim mạch sau này. Muốn trẻ tránh xa loại “thực phẩm rác” này, trước tiên bố mẹ cần có những kiến thức sơ đẳng về dinh dưỡng, cách lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe để lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn hàng ngày, đồng thời giảng giải cho trẻ về tác hại của loại thực phẩm mất vệ sinh, không an toàn.
Muốn trẻ tránh xa các loại “thực phẩm rác”, bố mẹ nên giúp trẻ chọn lựa một số loại thực phẩm an toàn. Sau đó hướng dẫn trẻ khi chọn mua thực phẩm nên đọc kỹ nhãn hiệu, bao bì, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Đồng thời, hãy luôn nói với trẻ không mua những sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng không có thương hiệu, mà chỉ chọn mua loại thực phẩm có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, bán ở các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Cùng với đó, bố mẹ hãy bồi dưỡng thói quen ăn uống an toàn, lành mạnh hàng ngày cho trẻ. Thông thường, thói quen thích những thực phẩm ăn nhanh, chiên rán không phải là bẩm sinh mà được hình thành trong quá trình trưởng thành. Vì thế muốn trẻ tránh xa những thực phẩm này, cách tốt nhất là bố mẹ bồi dưỡng thói quen ăn uống hợp lý cho trẻ ngay từ nhỏ, dạy trẻ nhận biết thực phẩm an toàn, bồi dưỡng thói quen ăn uống lành mạnh, cổ vũ trẻ ăn nhiều thực phẩm thiên nhiên, tránh xa “thực phẩm rác”.
NGUYỄN TƯ THOAN