Cuộc sống trong những căn phòng trọ chật hẹp giữa lòng Hà Nội

Admin
(PNTĐ) - Được mệnh danh là “chung cư mini” nhưng nhiều căn phòng trọ ở Hà Nội chỉ rộng chưa đầy 15m2 chứa tới 2-3 người ở. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn phòng chật hẹp này, chiếc giường nằm ngủ cũng biến thành bàn ăn, nơi học tập, thậm chí khi ngủ còn phải nằm nghiêng mới có đủ diện tích…
Cuộc sống trong những căn phòng trọ chật hẹp giữa lòng Hà Nội - ảnh 1
Những căn nhà trọ được quảng cáo là “chung cư mini” ở Hà Nội có chất lượng sống thấp, ẩn chứa nhiều nguy cơ cháy nổ.

Cuộc sống trong căn phòng đầy nguy cơ cháy nổ
Tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những căn phòng trọ được rao cho thuê với lời quảng cáo “chung cư mini” đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất hiện đại với giá giao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Những căn phòng này thường có vị trí giáp với các trường đại học nhưng nằm sâu trong ngõ nhỏ hẹp. Từ lời quảng cáo trên mạng internet, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô theo chân người đàn ông tên Ngọc Hướng đến một căn trọ “chung cư mini” trên đường Cầu Giấy. Tuy nhiên, thực tế khi đến được địa điểm cho thuê, hai người phải đi sâu vào con ngõ hun hút rộng chừng 2m, chỉ vừa 2 chiếc xe máy tránh nhau. “Ở đây trung tâm, gần nhiều trường đại học nên nhu cầu thuê rất cao, vào dịp nghỉ hè may mắn lắm mới còn phòng trống…”- anh Hướng vừa đi vừa giới thiệu.

“Chung cư mini” nơi phóng viên đến là một toà nhà 4 tầng, một mặt hướng ra khoảng sân rộng chừng 30m2, mặt còn lại giáp với những khu nhà cao tầng san sát nhau. Để lên được căn phòng trống, tiếp tục phải đi cầu thang bộ lên tầng 3 với hành lang rộng chừng 1,5m. Căn phòng ấy có diện tích 15m2, bên trong là phòng vệ sinh khép kín, kệ bếp sẵn cùng một khoảng trống để người thuê kê vừa đủ chiếc giường và bàn học. Anh Hướng bảo: “Thông thường căn phòng như này sẽ có 2 - 3 người ở, chủ yếu người thuê là sinh viên, bên cạnh đó cũng có những hộ gia đình trẻ kèm thêm 1 - 2 con nhỏ. Ở đây có tất cả 20 phòng nhưng hầu như lúc nào cũng kín phòng”.

Theo lời giới thiệu của anh Hướng thì mật độ dân số tại đây chỉ vào khoảng 5 - 7,5m2/người. Nếu chiếu theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn m2/người nhà ở cao tầng của Bộ Xây dựng ban hành vào năm 2020 (25m2/người) thì căn “chung cư mini” mà anh Hướng dẫn tới thấp hơn từ 3 - 5 lần. Còn nếu theo Luật Cư trú năm 2020 quy định diện tích tối thiểu 8m2/người mới được đăng ký tạm trú tại nhà thuê thì “chung cư mini” này cũng không đủ điều kiện. Chính vì thế mà có nhiều phát sinh khiến cho cuộc sống của những người thuê trọ ở đây trở lên ngột ngạt. Chị Phạm Thị Huyền (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang thuê trọ ở đây chia sẻ: “Những ngày này, phòng trọ vô cùng oi bức, ngột ngạt. Diện tích phòng nhỏ, mái thấp nên hơi nóng cứ thế phả hầm hập vào người. Mặc dù các quạt đã bật hết công suất cũng không thể tránh khỏi cảm giác nóng bức, mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại”.

Đó là lúc còn may mắn, giả sử có hoả hoạn xảy ra, chị Huyền không biết nơi mình đang thuê ở có đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) hay không. “Ở khu vực này, rất nhiều tòa chung cư mini, tòa nào cũng có đến mấy chục căn hộ nhưng hạ tầng cơ sở cho việc PCCC thì rất sơ sài, nhiều nơi thậm chí không có. Hầu như chủ nhà nào cũng làm qua quýt cho xong. Nếu chẳng may có rủi ro về cháy nổ thì chắc chắn số lượng bình cứu hỏa ít ỏi này chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi phải luôn dặn nhau cùng cẩn thận, ý thức hơn trong sinh hoạt mà thôi. Tuy vậy, đó vẫn là mối lo canh cánh mỗi ngày. Trước đây nhà còn có bảo vệ, lúc nào cũng mở rộng cửa 24/24. Bây giờ để tiết kiệm chi phí, chủ nhà không thuê bảo vệ nữa mà thay bằng khóa cửa vân tay. Cánh cửa bây giờ chỉ rộng để vừa lọt một chiếc xe máy đi qua. Nếu mà xảy ra cháy, trong cơn hoảng loạn mọi người trong nhà chen nhau chạy ra còn khó, đừng nói người ngoài vào hỗ trợ dập lửa”, chị Huyền lo lắng.

Tại Hà Nội những năm gần đây còn nở rộ cho thuê những căn hộp ngủ (sleep box) rộng chỉ chừng 1,5 - 2,5m2 với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Hộp ngủ này không thấy mặt trời, không phân biệt ngày đêm, không phòng cháy chữa cháy… Bên trong mỗi hộp ngủ sẽ được bố trí một giường đơn, bàn làm việc và tủ quần áo. Sinh hoạt cá nhân sẽ dùng chung và bố trí không gian riêng.

Đa phần những hộp ngủ này nằm trong nhà ở riêng lẻ sau đó ngăn ra cho thuê. Căn nhà ban đầu được thiết kế hệ thống điện chỉ đủ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Sau đó, căn nhà hoán đổi công năng, nhiều người khác đến ở dẫn đến hệ thống điện có nguy cơ bị quá tải rất cao dễ dẫn tới nguy cơ chập, cháy. Không chỉ sử dụng vật liệu dễ cháy mà không gian bên trong mỗi phòng ngủ này còn bức bí, không có lối thoát hiểm hoặc nếu có thì cũng không đảm bảo theo tiêu chuẩn nên khi có hoả hoạn xảy ra thì hậu quả thật khó lường. 

Bên cạnh đó, do tính chất kinh doanh, hộp ngủ cho xen lẫn cả khách thuê theo ngày với khách thuê dài hạn nên tình hình an ninh trật tự tại nhiều căn nhà phức tạp. Minh Vân - sinh viên Trường Đại học Thuỷ Lợi lúc vừa nhập học cũng lựa chọn hộp ngủ lưu trú qua ngày. Nhưng sau khi ở, Minh Vân luôn trong tâm lý lo sợ. “Mỗi phòng mình ở khi đó có 8 khoang, người ra người vào liên tục. Nhiều khi đang nửa đêm cũng có người chuyển vào ngủ, sáng sớm hôm sau họ đã đi rồi. Trong khi khoang kín, muốn có không khí, đón gió điều hoà thì phải mở cửa. Mở cửa thì phải lo giữ đồ, giữ người… sau hơn một năm thì mình phải lựa chọn rời đi”- Minh Vân chia sẻ.
Đa phần nơi thuê trọ ở Hà Nội không đủ điều kiện PCCC
Chuyện cháy nổ trực chờ trong những căn phòng trọ chật hẹp ở Hà Nội là điều ai cũng biết nhưng do nhu cầu tăng cao cùng với việc giá thuê trọ đắt đỏ, thu nhập không đáp ứng đủ đã khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm hàng ngày ở lại. Điển hình là vụ cháy xảy ra tại căn nhà trọ ở phường Phú Lương, quận Hà Đông sáng sớm ngày 30/5 khiến 9 người bên trong tháo chạy trong cơn hoảng loạn hay vụ cháy nhà ở cá nhân kinh doanh kết hợp cho thuê trọ trên đường Trung Kính, quận Cầu Giấy khiến 14 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương vào rạng sáng ngày 24/5. Trước đó, giữa tháng 9/2023 cháy căn chung cư mini ở phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Cuộc sống trong những căn phòng trọ chật hẹp giữa lòng Hà Nội - ảnh 2
Cuộc sống chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tại căn hộp ngủ giữa lòng Hà Nội.

Báo cáo của UBND quận Cầu Giấy hồi cuối tháng 5/2024 về kết quả tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn thì có tới 3.198 cơ sở nhà trọ không đảm bảo ngăn cháy lan; 2.822 cơ sở không đảm bảo điều kiện lối thoát nạn; 2.961 cơ sở hệ thống báo cháy không đảm bảo; 2.717 cơ sở có hệ thống chữa cháy không đảm bảo; 1.239 cơ sở các hệ thống kỹ thuật khác không đảm bảo. 1.566 cơ sở có vi phạm về điện (việc sử dụng điện sau công tơ, đấu nối đường dây điện không đảm bảo.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, toàn địa bàn Thủ đô có gần 32.000 nhà trọ, “chung cư mini,” đã có 1.200 trường hợp bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Là người trực tiếp chỉ đạo cứu chữa nhiều vụ cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, những vụ cháy gây hậu quả nặng nề đã để lại nhiều trăn trở cho lực lượng chức năng trong việc đưa ra giải pháp, phương pháp chữa cháy hiệu quả, giúp giảm tối đa thiệt hại.

Nói về tình hình kiểm tra PCCC các cơ sở “chung cư mini”, cho thuê trọ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình thông tin, quận đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng đối với 2.037 trường hợp, trong đó có 569 trường hợp có nguy cơ cháy nổ cao. Đáng nói, trong 11 nhà ở nhiều căn hộ, cơ quan chức năng của quận phát hiện tất cả 11 công trình đều có vi phạm. UBND quận đã phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 9 trường hợp.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Đối với thực hiện kế hoạch 234 cho thấy, hầu hết các cơ sở không đảm bảo công tác PCCC. Đơn cử như không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình xung quanh, các cơ sở chỉ có 1 lối thoát nạn mỗi tầng, thiếu thang bộ thoát nạn.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn thông tin: “Thực tế kiểm tra, rà soát cho thấy, các chung cư mini vi phạm về mật độ xây dựng, rồi trang thiết bị PCCC. Có trang thiết bị nhưng nhiều cái không hoạt động”.

Hiện Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn và các chương trình, kế hoạch chuyên đề, văn bản chỉ đạo về PCCC và CNCH Thành phố đã ban hành. Riêng đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/6. Đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao còn lại, tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra, hoàn thành trước ngày 15/7.