Cuối năm, cảnh giác trước chiêu tuyển dụng “làm việc tại nhà, lương vẫn cao”

Hoàng Huyền
Từ nay đến cuối năm 2022, về mặt bằng chung thị trường lao động Hà Nội vẫn sôi động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Nhưng cũng vì thế mà người lao động càng cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy việc nhẹ, lương cao.

Muôn hình vạn trạng trò lừa đảo tìm việc

Từ dạo tháng 10 trở lại đây, chị Đặng Linh Mai (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm) thỉnh thoảng lại nhận được tin nhắn mời chào công việc nhẹ nhàng mà lương lại cao. Làm việc không cần bằng cấp, không cần thế chấp, thậm chí lương đến tiền triệu một ngày, thực sự là mồi câu quá hấp dẫn cho những ai nhẹ dạ, hoặc đang khao khát có được một khoản kha khá để dành đón một cái Tết no đủ.

Cuối năm là thời điểm thị trường việc làm sôi động, đặc biệt là lao động thời vụ. Bởi đây là giai đoạn các công ty gia tăng sản xuất kinh doanh để phục vụ dịp Tết. Ngoài ra, nhu cầu việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phụ quán ăn, giải khát cũng tăng cao hơn hẳn.

Lợi dụng điều này, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các bài viết chào mời đi làm bưng bê, phục vụ nhà hàng, quán ăn, hay rót bia cho khách…, với mức thu nhập lên tới… 35 – 80 triệu/tháng. Không chỉ vậy, người lao động còn nhận được nhiều quyền lợi đi kèm như: Nhận tiền trong ngày, 1 tháng được nghỉ 3-4 ngày, được đào tạo miễn phí, được lo ăn, ở, và đặc biệt hơn cả là nhân viên được ứng tiền trước.

canh-giac-sap-bay-viec-nhe-luong-cao1-dulichgiaitri-phap-luat-1670508426.jpg
Một phiên giới thiệu việc làm tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội

Mới đây, Công an TP HCM vừa triệt phá 2 đường dây lừa đảo bằng cách làm giả hồ sơ vay tiền, thẻ ngân hàng..., gửi cho người dân và nhờ thu hộ phí bảo hiểm vay tiền. Theo đó, những người này sẽ giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho những người có tên trong danh sách đã soạn sẵn để tư vấn cho vay 20-100 triệu đồng với lãi suất 0%.

Nếu đồng ý, khách hàng phải đóng tiền phí bảo hiểm 1,7-3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Nhóm này sẽ lấy thông tin của khách rồi chuyển lại cho người cầm đầu là Nguyễn Hoàng Thạch (29 tuổi, quê Đồng Nai) làm giả hồ sơ cho vay vốn của ngân hàng. Sau đó, nhóm của Thạch sẽ thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm theo một thẻ ngân hàng giả cho khách, đồng thời nhờ bưu cục thu hộ các khoản tiền phí bảo hiểm. Tiếp đến, Thạch liên hệ bưu điện lấy số tiền mặt rồi chiếm đoạt khoản tiền phí bảo hiểm trên.

Còn một thủ đoạn lừa đảo việc làm khác nhắm vào người có nhu cầu tìm việc hiện nay là mạo danh nhân viên các trang thương mại điện tử lớn lôi kéo người “cộng tác bán hàng online” với trò “chốt đơn, nhận hoa hồng, lập nhóm tư vấn đầu tư tài chính…

Các đối tượng thường mạo danh nhân viên những trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki... chào mời các bà nội trợ, phụ nữ nhàn rỗi cần kiếm việc làm thêm làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn hàng ảo với lý do tăng doanh số. Lời chào mời rất hấp dẫn với mức thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một ngày. Điều kiện tham gia lại đơn giản, chỉ cần thẻ ATM và có điện thoại di động là làm được nên khá nhiều người mắc bẫy, có người mất trắng đến hàng trăm triệu đồng.

Không nên hấp tấp

Ở góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, những tháng cuối năm, thị trường lao động Hà Nội rất sôi động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, do thời điểm cuối năm tập trung những những ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, do yêu cầu về việc hoàn thiện các đơn hàng nên việc tuyển dụng và sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cũng có những sự sôi động nhất định, số lượng tăng hơn so với những tháng trước đây.

canh-giac-sap-bay-viec-nhe-luong-cao2-dulichgiaitri-phap-luat-1670508442.jpg
Lời mời chào làm ở các cơ sở karaoke với mức thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, công việc chỉ cần… rót bia

Theo ông Thành, do những tác động của bối cảnh quốc tế cũng như tình hình diễn biến của dịch Covid-19, việc thiếu hụt lao động là có xảy ra, song chỉ cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề. “Chúng tôi nhận thấy trên thị trường lao động Hà Nội vẫn đang tiếp tục có những xu hướng tuyển dụng liên tục đáp ứng cho nhu cầu hoạt động cuối năm”, ông Thành nhận định.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, cuối năm cũng là thời điểm nhiều hình thức lừa đảo diễn ra, nhất là thông qua mạng xã hội. Nhiều cá nhân, kể cả tổ chức đã lợi dụng những hình thức hoạt động này để lừa đảo người lao động. Theo ông Thành, việc đầu tiên khi đi xin việc là lao động phải chuẩn bị hồ sơ giấy tờ. Tuy nhiên, tuyệt đối không được cung cấp giấy tờ gốc cho bất cứ cá nhân, đơn vị hay tổ chức nào. Giấy tờ nộp hồ sơ chỉ cần là giấy tờ photo, công chứng. “Người lao động khi xác định tìm kiếm vị trí việc làm tại doanh nghiệp nào cần tìm hiểu thật kỹ về doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, điều kiện làm việc, yêu cầu, chế độ và quyền lợi xung quanh vị trí việc làm đó. Đặc biệt, tất cả những yếu tố liên quan đến quyền lợi cần tìm hiểu kỹ, phải nhớ được tuyển dụng thì phải có ký kết hợp đồng, được tham gia trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp”, ông Thành khuyến cáo.

Bên cạnh đó, hiện nay các tỉnh, thành phố đều có trung tâm dịch vụ việc làm, với nhiều địa điểm, các kênh giao dịch. Lao động có thể tìm tới các trung tâm này để được tư vấn, giới thiệu việc làm. “Hà Nội hiện có 15 điểm sàn việc làm, chúng tôi có các cán bộ hỗ trợ để tư vấn cho người lao động, thông tin về những doanh nghiệp đang đăng tuyển qua trung tâm. Qua đó, giúp người lao động khi đăng ký tuyển dụng, tham gia vào thị trường lao động cuối năm sẽ tìm được việc làm có tính ổn định cao nhất”, ông Thành cho biết.

Sắp diễn ra hội nghị kết nối doanh nghiệp với sinh viên và người lao động
Dự kiến ngày 11/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức Hội nghị gắn kết Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022. Hội nghị sẽ có khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 8.000 học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh; khoảng 2.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trên địa bàn Thành phố tham gia phiên giao dịch giới thiệu việc làm.

Ngoài ra, có 45 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại hội nghị. Bên cạnh đó, có từ 60 – 70 gian hàng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn tuyển sinh, trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực hành, giới thiệu mô hình thiết bị đào tạo, mô hình khởi nghiệp, trình diễn kỹ năng nghề tiêu biểu.

MAI CHI