Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau hơn 3 năm gián đoạn lẽ ra phải báo hiệu một kỷ nguyên ngoại giao mới hướng tới giải quyết cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Nhưng, thay vào đó, những xáo trộn ban đầu dẫn đến sự đẩy lùi về lịch trình, thời lượng hai bên ngồi lại với nhau – chỉ dài hơn trận bóng đá 90 phút một chút, và kết quả hạn chế của vòng đàm phán, tất cả dường như đang đưa vấn đề Ukraine trở lại "vạch xuất phát".
Kết quả hữu hình duy nhất của các cuộc đàm phán tại Istanbul hôm 16/5 là Nga và Ukraine đồng ý trao đổi tù nhân chiến tranh – điều vẫn diễn ra thường xuyên giữa hai bên, chỉ khác ở quy mô trao đổi.
Ngoài ra, hai bên cũng tiếp tục thảo luận về cuộc đàm phán ở cấp cao nhất giữa hai nguyên thủ quốc gia – một cuộc họp đã liên tục được nhắc đến từ những ngày đầu xung đột mà chưa bao giờ diễn ra trên thực tế do nhiều trở ngại.
Trong khi Ukraine cho biết ưu tiên số một của họ là một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, Nga cho biết mục tiêu của đàm phán trực tiếp là thiết lập hòa bình lâu dài và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng – tất cả đều không được thấy trong kết quả cuộc đàm phán mới nhất.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị bắn pháo vào các vị trí của Nga ở khu vực Donetsk, tháng 3/2025. Ảnh: NY Times
Sau khi cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev ở Istanbul kết thúc mà không có đột phá, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một cuộc họp giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Chúng tôi phải gặp nhau", Tổng thống Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 16/5, sau khi ông kết thúc chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Trung Đông.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cho biết ông lạc quan về việc hợp tác với ông Putin, nhưng cũng sẵn sàng gây áp lực lên Nga nếu cần thiết.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận với ông Putin… Tôi sẽ sử dụng đòn bẩy đối với ông Putin nếu tôi phải làm vậy", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Chưa có phản ứng nào từ phía Nga về các bình luận mới nhất của ông Trump. Nhưng Điện Kremlin hôm 16/5 đã khẳng định cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ là điều cần thiết để đạt được tiến triển về vấn đề Ukraine và các vấn đề khác.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump rất quan trọng trong bối cảnh giải quyết vấn đề Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi đồng ý với luận điểm này. Điều này là cực kỳ quan trọng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Cả Nga và Ukraine đều đang cố gắng cho ông Trump – người đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến một cách nhanh chóng – thấy rằng họ cam kết tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên, rõ ràng sau nhiều tháng ngoại giao con thoi do Mỹ dẫn đầu và một số vòng đàm phán được Washington làm trung gian, hai bên trong cuộc xung đột dường như không tiến gần hơn đến việc đạt được giải pháp hòa bình so với trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1.
Minh Đức (Theo CNN, RFE/RL)