Về dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đông đảo nhân dân trong huyện và du khách thập phương. Về phía Hội LHPN thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Phạm Thị Mỹ Hoa đến dự.

Đền Hát Môn, thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng - người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 sau công nguyên. Lễ dâng hương là dịp để tưởng nhớ công ơn của hai vị nữ Anh hùng dân tộc, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước, ghi trang sử vàng đầu tiên của dân tộc Việt Nam dựng cờ độc lập.
Đây còn là dịp để giới thiệu đến bạn bè và du khách về đền Hát Môn - Di tích quốc gia đặc biệt, công trình văn hóa, tín ngưỡng lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân Phúc Thọ.

Tương truyền, năm 40 sau Công nguyên, nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập cho đất nước. Năm 43, thế giặc mạnh, buộc Hai Bà Trưng lui quân đến khu vực thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ ngày nay và tuẫn tiết bên dòng sông Hát. Cảm kích công ơn Hai Bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, gọi là đền Hát Môn, hay còn gọi là đền Quốc tế (tế lễ cấp quốc gia). Từ sự tích này, người dân nơi đây đã có một nghi thức hết sức đặc biệt, là dâng bánh trôi lên Hai Bà trong ngày hội. Lễ rước bánh trôi với sự tham gia của nhân dân 10 thôn dân cư trong xã, là nghi lễ quan trọng và đặc trưng nhất của Lễ hội truyền thống đền Hát Môn.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và để tỏ lòng thành kính, ghi sâu công đức của hai vị nữ Anh hùng dân tộc, tưởng nhớ Ngày Hai Bà hóa thân về trời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ thường niên tổ chức lễ dâng hương tượng niệm Ngày giỗ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Cả nước hiện có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng nhưng đền Hát Môn là một trong những ngôi đền có quy mô lớn nhất. Đền gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Nhà Ngự dội, nhà Tạm ngự, Quán Tiên, Nghi môn, Thủy đình, Đàn thề đá, cổng Tam quan, đền chính (nhà Đại bái, Thiêu hương, Hậu cung), Tả mạc, Hữu mạc, nhà Che bia, Gò Giấu ấn, nhà Tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách và không gian lễ hội rộng lớn...
Đền Hát Môn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội đền Hát Môn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền địa phương đã và đang quan tâm khai thác giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của quê hương để phát triển du lịch.