Tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng
Cuối tháng 9/2024, Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử (QTUX) nơi công cộng” tại di tích đình Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa (Cầu Giấy). Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, vận các cấp hội phụ nữ quận Cầu Giấy đã nỗ lực triển khai thực hiện các mô hình phần việc cụ thể trong việc vận động cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Theo đó, Hội Phụ nữ quận Cầu Giấy đã tổ chức thực hiện các mô hình ứng xử đẹp với môi trường lan tỏa khắp các ngõ phố trên địa bàn, như: Tranh tường bích họa xóa chân rác, ngõ hoa xóa điểm đen về rác, hoa phủ xanh gốc cây, đoạn đường xanh sạch đẹp nở hoa, sân chơi thiếu nhi và sân chơi cộng đồng,…
Ông Quản Xuân Trường, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình Hạ Yên Quyết chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn là phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, luôn bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để thực hiện tốt việc quản lý di tích, tổ chức cho nhân dân trên địa bàn và khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng đảm bảo các quy định về quản lý di sản văn hóa. Chung tay xây dựng hình ảnh di tích thực sự là di tích lịch sử - văn hóa kiểu mẫu, điểm đến an toàn, hấp dẫn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Kim Lê: Các mô hình huy động được sự tham gia tích cực hiệu quả của cán bộ hội viên phụ nữ trong toàn Quận. Điển hình như việc xây dựng thành công mô hình Phụ nữ tham gia xây dựng tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu tại 14 tổ dân phố trên địa bàn 8 phường; mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu thực hiện QTUX nơi công cộng” tại di tích đình An Hòa - chùa Báo Ân, phường Yên Hòa; đền Dục Anh phường Trung Hòa, chùa Thánh Chúa phường Dịch Vọng Hậu và Mai Dịch và mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Chợ văn minh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại chợ Đồng Xa...
Còn trong tháng 8 vừa qua, Hội LHPN quận Tây Hồ phối hợp cùng UBND phường Quảng An tổ chức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại di tích lịch sử phủ Tây Hồ, Hà Nội. Mô hình được triển khai với mục đích giúp cán bộ, hội viên và phụ nữ trên địa bàn, phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử đã xếp hạng, và cả du khách thập phương tới phủ Tây Hồ… được tuyên truyền, thay đổi hành vi thực hiện QTƯX nơi công cộng, ứng xử văn minh, thanh lịch. Ông Trương Tiến Hồi, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ khẳng định: Chúng tôi đã rất thận trọng trong công tác chuẩn bị, rà soát các tiêu chí, bổ sung các trang, vật dụng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Cùng đó, chung tay xây dựng hình ảnh di tích phủ Tây Hồ thực sự là di tích lịch sử - văn hóa kiểu mẫu, điểm đến an toàn, hấp dẫn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, việc triển khai mô hình nhằm tạo sự thay đổi nhất định về hành vi ứng xử, diện mạo, cảnh quan khu vực di tích, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và thực hiện nếp sống văn minh. Để đình làng thật sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của địa phương, bên cạnh sự vào cuộc của hội phụ nữ, còn cần sự chung tay của các đoàn thể, cộng đồng dân cư. Địa phương cần có thêm các hoạt động tuyên truyền trực quan cụ thể, các hoạt động văn hóa bên cạnh việc treo nội dung các Quy tắc ứng xử, số hóa di sản bằng quét QR Code để việc xây dựng nếp sống văn minh hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Tăng cường phát huy giá trị các di sản văn hóa
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 294/KH-UBND về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, UBND Thành phố đề ra nhiều nội dung thực hiện quan trọng. Cụ thể: Thành phố sẽ tiến hành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố đã được xếp hạng. Trong đó, Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể đối với 21 cụm di tich Quốc gia đặc biệt (89 di tích đơn lẻ) bao gồm các di tích do Thành phố quản lý và các di tích do quận, huyện quản lý.
Để thực hiện thành công Kế hoạch, Hà Nội đề ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa như rà soát, kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học, xếp hạng; nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hồ sơ tư liệu; kiểm kê các lễ hội truyền thống tại các địa phương; bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, tiêu biểu tại các địa phương để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch...
UBND Thành phố yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% di tích được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và quảng bá di sản; tư liệu hóa, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thành phố về di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan du lịch; cập nhật với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; xây dựng khung ý tưởng, xác lập bộ tiêu chí tạo lập cơ sở dữ liệu; số hóa 360° cảnh quan, kiến trúc và không gian di tích; số hóa 2D và nhập liệu toàn bộ hồ sơ di tích, di sản Hán Nôm tại di tích, tài liệu lưu trữ liên quan tới di tích; thiết kế hệ thống, thiết kế giao diện website và app; lập trình các tính năng nhà quản trị; số hóa 3D di sản vật thể tiêu biểu, số hóa di sản phi vật thể...
Thành phố cũng sẽ tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức và pháp luật về di sản văn hóa. Huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích có giá trị về lịch sử-văn hóa, kiến trúc-nghệ thuật, di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, đảm bảo công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo đúng quy định pháp luật hiện hành và quy định của Thành phố. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng cũng như bảo tồn những đặc trưng văn hóa tiêu đặc sắc, tiêu biểu của Thành phố...
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Kế hoạch. Đối với di tích quận huyện, thị xã quản lý, UBND Thành phố yêu cầu thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền,...) tại địa phương... Qua đó, nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước.