Đoàn đại biểu cấp cao do ông Hannes Hanso, Đại sứ Cộng hòa Estonia tại Việt Nam dẫn đầu, bao gồm đại diện từ các công ty ICT Estonia, Tổ chức Trade Estonia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Estonia.
Estonia được thế giới biết đến là quốc gia kỹ thuật số, nơi 99% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến cho người dân và chính phủ không sử dụng giấy tờ trong hơn 15 năm qua. Thành tựu này đạt được là nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ tiên tiến của Estonia, hiện đang cung cấp dịch vụ trên khắp các châu lục.
“Chuyến công tác này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Estonia, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các ngành công nghệ thông tin của hai nước”- Đại sứ Hannes Hanso nói.
Các doanh nghiệp Estonia tham gia vào sứ mệnh này mang theo kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy đổi mới và hiệu quả trong công nghệ bao gồm: DreamApply (phần mềm quản lý hồ sơ cho các cơ sở giáo dục), Finbite (công ty fintech cung cấp các công cụ quản lý tài chính và lập hóa đơn dễ sử dụng), Wisercat Software (tư vấn IT và phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số đa lĩnh vực), Ampron (bảng điện tử LED và LCD thông minh cho giải pháp giao thông), và AdoptoMedia (giải pháp trí tuệ nhân tạo cho dự báo doanh thu và tối ưu hóa ngân sách).
Estonia được công nhận là một trong những quốc gia tiên tiến nhất về kỹ thuật số trên thế giới, tiên phong tạo ra một xã hội kỹ thuật số và đã đặt ra chuẩn mực cho toàn cầu. Các công ty ICT của Estonia đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số này và sẵn sàng chia sẻ kiến thức với Việt Nam, cũng như khám phá cơ hội hợp tác.
Hệ sinh thái kinh doanh và quản trị số của Estonia mang đến một mô hình độc đáo và có khả năng mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới toàn cầu, phù hợp với nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam.
Hành trình số hoá của Estonia bắt đầu từ đầu những năm 1990 khi nước này đưa ra lựa chọn chiến lược ưu tiên đổi mới kỹ thuật số nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Các công ty ICT của Estonia kể từ đó đã có đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi của đất nước, xây dựng các dịch vụ trực tuyến hiện đại, cho phép 99% dịch vụ công được truy cập trực tuyến.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và khu vực tư nhân đã đưa Estonia trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về giải pháp kỹ thuật số, với số lượng startup kỳ lân trên đầu người cao nhất, với những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như Skype, Wise và Bolt. Estonia hiện xếp thứ 10 trên thế giới về xuất khẩu dịch vụ ICT, với 51% doanh thu từ khách hàng quốc tế.
Kiến thức chuyên môn của Estonia trải rộng trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, bao gồm an ninh mạng, giải pháp AI trong chăm sóc sức khỏe và dịch vụ khách hàng, và ứng dụng IoT trong quy hoạch thành phố thông minh và nông nghiệp. Những nỗ lực hiện tại của Việt Nam trong phát triển hạ tầng kỹ thuật số, an ninh mạng, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục và chính phủ điện tử rất phù hợp với năng lực của Estonia, tạo ra cơ hội hợp tác đúng thời điểm cho cả hai đất nước.
Những đoàn doanh nghiệp Estonia trong các lĩnh vực như nông nghiệp, F&B, ICT trước đây đã đặt nền móng cho sự hợp tác song phương mạnh mẽ với Việt Nam. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Estonia sang Việt Nam đạt 9,64 triệu Euro, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam đạt 42 triệu Euro, với các sản phẩm xuất khẩu chính gồm sản phẩm gỗ, vật liệu bột giấy và hóa chất hữu cơ. Có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng trong thương mại và hợp tác vẫn còn rất lớn.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang tiếp tục hành trình phát triển kỹ thuật số và cả hai nước cùng tiến tới các mục tiêu số hóa, chuyến thăm này đánh dấu cơ hội quan trọng để khám phá các điểm tương đồng giữa hai hệ sinh thái công nghệ. Với kinh nghiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đẳng cấp thế giới của Estonia và sự phát triển công nghệ ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam, sứ mệnh này mở ra cánh cửa cho các hoạt động hợp tác hướng tới tương lai có thể thúc đẩy đổi mới trong nhiều ngành công nghiệp.