ĐBQH: Phải mạnh tay xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ

Admin
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần quyết liệt xử lý mạnh tay, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, nếu không nguy cơ cháy gây chết người vẫn còn xảy ra.

Cần xử lý quyết liệt, quy rõ trách nhiệm

Theo Chương trình kỳ họp thứ 7, chiều nay (27/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật này được cử tri, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm; nhất là trong bối cảnh nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn kéo theo chết người liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.

Như Người Đưa Tin đã đề cập trong bài Hậu những đám cháy thương tâm: Cần xử lý người đứng đầu cấp quận, huyện, một số đại biểu Quốc hội cho rằng để xảy ra tình trạng cháy nổ liên tiếp như hiện nay trách nhiệm rất lớn thuộc về cán bộ địa phương. 

Các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hay UBND thành phố đều yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế công tác xử lý vẫn chưa quyết liệt như mong muốn. 

Đối thoại - ĐBQH: Phải mạnh tay xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ

Hiện trường vụ cháy khiến 14 người chết ở Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).

Trước bối cảnh các vụ cháy nổ gây thiệt hại về người liên tiếp xảy ra thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc Hà Nội cần quyết liệt xử lý mạnh tay, quy rõ trách nhiệm, nếu không nguy cơ cháy gây chết người sẽ còn xảy ra.

Bà Nga cho rằng, các đô thị Việt Nam, mô hình chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Điều nguy hiểm là hết ngày làm việc, người thuê sẽ về phòng còn chủ nhà không kiểm tra bởi không thuộc quyền quản lý của mình nữa. 

"Theo tôi, giải pháp cấp bách là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, bắt buộc tiêu chí về PCCC. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức người dân. Đây là giải pháp rất quan trọng. Chúng ta dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt thế nào nhưng người dân không chấp hành thì cháy vẫn xảy ra. Cần bắt buộc có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn hộ thuê để kinh doanh về phòng cháy chữa cháy", đại biểu Nga nêu ý kiến.

Đối thoại - ĐBQH: Phải mạnh tay xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ (Hình 2).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo bà Nga, nhiều vụ cháy ở Hà Nội gây thiệt hại nặng nề đều do xây dựng sai phép và chính quyền địa phương có sự "làm ngơ". Bà Nga chỉ rõ, tất cả các tiêu chuẩn về PCCC đều do chính quyền địa phương quản lý, từ cấp phép xây dựng đến thẩm định điều kiện. Vậy khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của họ ở đâu?

"Điều quan trọng là cùng với quy trách nhiệm, phải có sự xử lý rốt ráo, chứ không phải chỉ nêu ra do xây dựng sai phép, do chính quyền địa phương còn buông lỏng thì không có hiệu quả", bà Nga nhấn mạnh. 

Đây là lời cảnh báo đúng đắn, khi nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người vẫn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương là một trong những nguyên nhân cốt lõi. 

Để ngăn chặn và hạn chế tối đa các thảm họa cháy nổ, các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp địa phương, cần phải quyết liệt trong công tác quản lý, thẩm định và xử lý nghiêm các vi phạm. Chỉ khi đó, các tiêu chuẩn về PCCC mới được thực thi nghiêm ngặt, từ đó bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. 

Đối thoại - ĐBQH: Phải mạnh tay xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ (Hình 3).

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh.

Đóng góp thêm ý kiến, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh cho rằng, cần kết hợp liên ngành giữa các cơ quan phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với các đơn vị liên quan để tiến hành rà soát tổng thể, đánh giá lại thực trạng mô hình này trên địa bàn các thành phố lớn. 

Đồng thời, phân loại các đối tượng kinh doanh đang đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và những hộ kinh doanh hiện nay chưa phù hợp để điều chỉnh.

“Đối với PCCC cần đề nghị các hộ kinh doanh, hộ gia đình này phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu trước mắt, không chỉ với mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh mà kể cả nhà chung cư, nhà liền kề và nhà trong ngõ hẹp. Trước hết, cần rà soát lại và đánh giá hiện trạng, trên cơ sở đó có những khuyến nghị, đề nghị trang bị các trang thiết bị phù hợp để phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu nêu kiến nghị.

Bà Thuý cũng nhấn mạnh, dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt thế nào nhưng người dân không chấp hành thì cháy vẫn xảy ra. Vì vậy cần bắt buộc có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn hộ thuê để kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy.

“Một người hiểu biết về PCCC thì sẽ bớt đi thảm họa và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, từ đó góp phần xây dựng quần chúng nhân dân đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở”, nữ đại biểu nói. 

Nhiều cán bộ còn né trách nhiệm

Bà Nga cũng cho biết, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định rõ ràng về chuẩn mực đạo đức cách mạng, về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên như Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 về việc khuyến khích "thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín". Nhưng thực tế rất ít cán bộ đứng ra nhận trách nhiệm. 

Nữ đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, tình trạng cán bộ còn còn thờ ơ, né tránh, ngại khó, ngại khổ... thường xuyên được nhắc đến trong các báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

"Một chi bộ cuối năm đảng viên nào cũng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng công việc cứ không trôi, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo tôi, nguyên nhân nằm ở việc đánh giá cán bộ, công chức. Mỗi đảng viên và chính mỗi công chức, viên chức cần xem lại cách đánh giá đã khách quan, công tâm chưa?", bà Nga nói. 

Theo đại biểu, mặc dù các quy định về đánh giá công chức, viên chức và đánh giá đảng viên hàng năm rất chặt chẽ, với quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là phải nghỉ việc, nhưng trong thực tế, vẫn không xử lý được cán bộ. 

Bởi lẽ, việc xử lý lại phải căn cứ vào kết quả đánh giá và cách đánh giá như vậy không thực sự khách quan, công tâm. Để khắc phục tình trạng này, cần phải thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức. 

Đồng thời, cần có sự xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, dù đã được đánh giá "hoàn thành tốt" hay "hoàn thành xuất sắc". 

Chỉ khi nào có sự thay đổi căn bản trong cách đánh giá và xử lý cán bộ, công chức, chúng ta mới hy vọng có thể nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong những vấn đề nghiêm trọng như các vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản. 

Đặng Thuỷ - Kim Thoa