Dịch vụ bói toán online nở rộ, người dân tiền mất tật mang

Admin
Trước tình trạng nở rộ dịch vụ bói toán online, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần phải vào cuộc xác minh.

Có thể xử lý hình sự

Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) nêu tình trạng dịch vụ tâm linh bói toán tử vi trực tuyến có dấu hiệu nở rộ với "lực lượng thầy bói" rất đông đảo, gây ra nhiều hệ lụy và mạng xã hội trở thành không gian màu mỡ để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi, lừa đảo, cuối cùng người dân tiền mất tật mạng.

Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết giải pháp căn cơ nhất để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng?

Dịch vụ bói toán online nở rộ, người dân tiền mất tật mang- Ảnh 1.

ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trước hết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải vào cuộc xác minh đây có phải mê tín dị đoan hay không.

Nếu đúng và cần xác minh thông tin thì Bộ TT&TT phối hợp sử dụng các công cụ để xác minh danh tính người vi phạm để xử lý.

Một khi có tiêu chí cụ thể về hành vi mê tín dị đoan (kể cả bằng hình ảnh, chữ viết và lời nói) mới có thể phát triển công cụ rà quét.

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số đã phát triển được phần mềm để khi nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, xem hành động đó có mê tín dị đoan không và báo sang cơ quan liên quan quản lý.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay Bộ đang làm việc với các mạng xã hội và khi tiêu chí mê tín dị đoan rõ ràng, Bộ sẽ yêu cầu các mạng xã hội phát triển công cụ để tự rà quét và hạ xuống.

"Đây là bước tiến mới vì như trước đây chúng ta phát hiện, yêu cầu họ hạ còn giờ họ buộc phải tự hạ. Các nhà mạng, mạng xã hội kinh doanh thu lợi lớn thì phải có trách nhiệm làm trong sạch không gian mạng", Bộ trưởng Hùng nói và nhấn mạnh một khi phát hiện, rõ ràng phải xử lý mạnh tay với đối tượng mê tín, dị đoan, tùy mức độ sẽ xử lý hành chính, hình sự…

Giải pháp chặn tin giả, xấu độc

Tại phiên chất vấn, vấn đề tin giả, xấu độc lan tràn trên mạng xã hội cũng được nhiều đại biểu nêu và chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT về giải pháp để ngăn chặn.

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ trưởng sẽ có phương án như nào để quản lý mạng xã hội?

Hay ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng thông tin về những giải pháp để chấn chỉnh người dân đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật cũng như nhiều nội dung quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Duy Thanh, về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Dịch vụ bói toán online nở rộ, người dân tiền mất tật mang- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Bàn về một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.

"Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Do đó, Bộ trưởng Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng "đề kháng" cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.

Hiện Bộ TT&TT đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ TT&TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy.

Dịch vụ bói toán online nở rộ, người dân tiền mất tật mang- Ảnh 3.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Ảnh: Media Quốc hội).

Từ nội dung trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) mong muốn Bộ trưởng nêu rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết dứt điểm tình trạng tin xấu, tin độc hại, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT thời gian qua đã làm hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác này chưa? Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật Quảng cáo có khắc phục được tình trạng hạn chế nêu trên không?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Bộ đã làm hết sức, từng ngày, từng giờ" và nhấn mạnh nội dung quản lý về quảng cáo đã có nhiều tiến triển.

Trước đây, cơ quan quản lý chuyển những thông tin sai sự thật yêu cầu các mạng gỡ nhưng họ không gỡ mà chỉ thực hiện hạn chế. Nếu 10 nội dung thì chỉ gỡ 1-2.

"Còn giờ đây, họ thực hiện nghiêm trên 95%. Đã có lệnh từ Nhà nước là các nền tảng, cả xuyên biên giới phải thực hiện. Nền tảng phải tự rà quét, hạn chế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

80% quảng cáo trực tuyến trước thuộc về báo chí, nay rơi vào mạng xã hội

Hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra trước đây các nền tảng chỉ gỡ nội dung sai phạm và không xóa người thực hiện đăng tải nhưng nay nếu tái phạm nhiều lần, người vi phạm sẽ bị hạ tài khoản.

Về câu hỏi có thể xử lý được triệt để vấn đề tin giả, xấu độc, quảng cáo sai hay không, ông thừa nhận là không vì đây là một vấn đề phức tạp và xã hội luôn thay đổi, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải không ngừng cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp luật để thích ứng với tình hình mới.

"Giờ phút này, chúng ta không thể nói 5 năm nữa sẽ có những công nghệ gì, xuất hiện vấn đề gì mới nên cần phải theo kịp sự phát triển. Khi có vấn đề phát sinh, phải nhận dạng sớm vấn đề, đưa ra giải pháp và điều chỉnh thể chế. Nếu cứ 10 năm thay đổi luật một lần khó theo kịp sự phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.