Điểm nghẽn khó nhất của giải ngân đầu tư công ở Quảng Nam
Giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm còn thấp.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ là 6.559 tỷ đồng, đạt 93%. Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ là 497 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 30,9 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 466 tỷ đồng.
Vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ gồm chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 9,7 tỷ đồng, do các dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định; chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 11,5 tỷ đồng do chưa đảm bảo thủ tục đầu tư; chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 9,6 tỷ đồng, do dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định.
Vốn ngân sách tỉnh chưa phân bổ gồm dự phòng xây dựng cơ bản và trả lãi vay. Trong đó, dự phòng 20,4 tỷ đồng và trả nợ vay đến hạn 71,6 tỷ; dự nguồn thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh và đối ứng các Chương trình Mục tiêu quốc gia 71,8 tỷ đồng; nguồn thu sử dụng đất giữ lại phân bổ sau là 302,2 tỷ đồng.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh tại Báo cáo số 358/BC-KBQN ngày 9/7, tính đến hết ngày 30/6, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 2.093,3 tỷ đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.654,8 tỷ đồng, đạt 23,4%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 438,5 tỷ đồng, đạt 24%.
"Điểm nghẽn" khó gỡ
Theo ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giải ngân vốn đầu tư công khó khăn lớn nhất vẫn là vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai; đơn giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, con vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế.
Tại một số vị trí, người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung (bao gồm cả đơn giá bồi thường và số lô tái định cư); một số hộ dân không phối hợp trong quá trình kiểm kê, áp giá; bồi thường cho người sử dụng đất sai mục đích như làm nhà trên đất nông nghiệp, sử dụng đất lúa để nuôi trồng thủy sản...
Lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng hạn chế, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp. Một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính; công tác thẩm định, phê duyệt bản đồ trích đo địa chính chậm.
Ngoài ra, còn thiếu sự tích cực phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng kéo dài thời gian làm chậm tiến độ thực hiện dự án và giải ngân.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, tuy nhiên đến ngày 27/2/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đấu thầu. Vì vậy, những tháng đầu năm 2024 việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.
Nguồn thu sử dụng đất được Thủ thướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam là 2.700 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu tiền sử dụng đất không mấy khả quan, khả năng sẽ không thu được so với dự toán được giao.
Đến nay, thực tế nguồn thu sử dụng đất toàn tỉnh chỉ thu được khoảng 426,358 tỷ đồng, trong đó, cấp tỉnh hơn 80 tỷ đồng, cấp huyện 346,284 tỷ đồng, vì vậy không có nguồn vốn để phân bổ và giải ngân.
Đối với các dự án sử dụng Ngân sách trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này có tỉ lệ giải ngân chậm vẫn không thể thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân tốt.
Một số dự án sử dụng ngân sách trung ương hiện nay đang cần bổ sung vốn như cầu Văn Ly và đường dẫn; Cầu Tân Bình và đường tránh Quốc lộ 14E qua nội thị thị trấn Tân Bình; Đường trục chính Tam Hòa nối từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công… để thanh toán khối lượng hoàn thành.
Tuy nhiên không thể điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (Đường nối ĐT609C đến Quốc lộ 14B, Hoàn thiện đường ven biển 129) do đây là các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2024 theo thời gian bố trí vốn.
Bên cạnh đó, đơn giá vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua tăng quá lớn, nguồn cung hạn chế, nhất là đất đắp và cát xây dựng, không đáp ứng nhu cầu để triển khai thi công của hầu hết các dự án như Khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Hương An; Đường giao thông kết nối các tiểu vùng sản xuất nguyên liệu nông - lâm nghiệp với các khu, cụm công nghiệp Quế Sơn…