Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học số 1 Na Sang thuộc xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên nằm tại một xã biên giới đặc biệt khó khăn, có 5 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%. Đây là địa bàn dân cư không tập trung, kinh tế chậm phát triển, sản xuất chủ yếu là nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo cao, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển giáo dục tại địa phương.
Các hộ dân ở đây cư sống rải rác trên núi cao, từ nhà mình, các em học sinh phải đi bộ đến trường. Tại điểm trường này, ngó qua bên kia đồi thấy những ngôi nhà của đồng bào lúp xúp giữa núi rừng, em nào nhà ở gần thì đi bộ vài chục phút, nhà xa thì mất nhiều thời gian là chuyện bình thường. Mùa khô đã vất vả, vào mùa mưa hành trình tìm chữ của các em gặp nhiều khó khăn hơn khi con đường trở nên lầy lội khó đi.
Điểm trường Huổi Lóng 1 là một điểm trường vùng sâu, vùng xa thuộc trường PTDTBT Tiểu học số 1 Na Sang. Những ngày đầu thành lập, điểm trường gặp muôn vàn khó khăn như đường xá đi lại là đường dân sinh dốc ngược khúc khuỷu, phòng học là nhà tạm được ghép bằng tre, ván gỗ, lợp bằng lá, sân chơi bãi tập của học sinh không có, trang thiết bị dạy học xuống cấp, thiếu điện, thiếu nước; tỷ lệ chuyên cần không cao, cha mẹ thiếu sự quan tâm đến việc học tập của con cái.
Trước những khó khăn bất cập đó, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương nỗ lực cải tạo không gian học tập và sinh hoạt cho học sinh. Đến nay, điểm trường đã có nhiều thay đổi; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và hoàn thiện. Cảnh quan môi trường đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Công tác quản lý và đổi mới phương pháp có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa giáo dục cũng đang được quan tâm.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn tạo cảm hứng cho các em học sinh mỗi khi đến trường, nhà trường đã kết nối, đưa chương trình trường học lành mạnh (AIA healthiest schools) vào thực hiện. Theo đó, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp để thu hút học sinh đến trường và khi đến trường các em được học tập, được vui chơi, được sáng tạo. Các em cảm thấy hân hoan, hạnh phúc khi đến trường.
Mong muốn đó được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ. Anh Vàng A Lâu, Bí thư Bản và Vừ A Lòi, Trưởng bản tại điểm bản Huổi Lóng 1 đã huy động nhân dân góp công, góp sức cùng với các vật liệu sẵn có tại bản để xây dựng lên một môi trường xanh - sạch - đẹp góp phần to lớn vào việc phát triển toàn diện năng lực phẩm chất cho học sinh.
Các em học sinh cũng được trực tiếp tham gia trải nghiệm chăm sóc vườn rau, tưới hoa, được hái rau phục vụ bữa ăn của mình tại trường. Hơn thế nữa các em được vui chơi, được tự do sáng tạo vẽ các bức hình yêu thích của mình tại phòng ngủ, sắp xếp những cuốn sách, quyển truyện vào thư viện một cách ngăn nắp. Các em được trau dồi kỹ năng giao tiếp, tự chăm sóc bản thân và học tập trong môi trường hạnh phúc, giúp các em có một tinh thần học tập thoải mái và phát huy hết khả năng, năng lực, phẩm chất của các em.
Sau một thời gian triển khai, chương trình đã mang lại cho 32 em học sinh tại điểm trường Huổi Lóng 1 rất nhiều thay đổi: Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình, hăng hái phát biểu xây dựng bài. Các em tự tin và đoàn kết chơi các trò chơi ở trường. Các em thích và mong được đến trường, không còn học sinh nghỉ học tự do. Các em biết làm thành thạo các kĩ năng tự phục vụ bản thân như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, biết giúp cô giáo và bố mẹ trồng rau, trồng hoa ở trường, ở nhà, biết trang trí lớp học, nhà cửa, sắp xếp sách vở gọn gàng. Các em cũng thích đọc truyện, đọc sách tại thư viện xanh để mở mang kiến thức. Đặc biệt hơn các em được trồng và chăm sóc những vườn rau xanh mướt, đó cũng chính là nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày tại trường.
Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, tính đến nay tỷ lệ học sinh Hoàn thành tốt của điểm trường Huổi Lóng 1 đạt 53,6%, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm học 2022 - 2023; công tác giáo dục mũi nhọn được các cô giáo quan tâm, có nhiều giải pháp được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng trong năm học này điểm trường có 5 học sinh đạt giải trong hội thi giao lưu Toán và Tiếng Việt cấp trường, 3 học sinh tham gia hội thi giao lưu Toán và Tiếng Việt cấp huyện.
Các cán bộ giáo viên trong nhà trường hiểu được giá trị, tầm quan trọng của kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc, đó là: Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, xây dựng mối quan hệ và môi trường sống tích cực; đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá nhân trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp…trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau; đồng cảm, yêu thương và chia sẻ; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy tạo tinh thần học tập vui vẻ, lôi cuốn trong từng bài giảng, tạo cơ hội cho học sinh được sáng tạo ở môi trường gắn kết với nhau; làm cho mỗi thành viên trong nhà trường đặc biệt là các em học sinh có cơ hội và khát khao được thể hiện, khẳng định và công nhận giá trị của bản thân.
Đặc biệt là xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa cô và trò, học sinh với học sinh, giữa giáo viên với bà con dân bản, dành được sự tin yêu của phụ huynh học sinh và sự tin tưởng của nhân dân.
Trước kết quả đã dành được của nhà trường, lãnh đạo ủy ban nhân dân xã, lãnh đạo phòng giáo dục, quản lý các đơn vị trường đánh giá cao, khen ngợi rất lớn và ủng hộ nhân rộng dự án đến với các điểm bản và các trường lân cận trong toàn xã cũng như các trường trong huyện.
Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã giành được Quán quân Khối Tiểu học; Trường THCS Thực nghiệm Victory, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên giành được Quán quân Khối Trung học, với giải thưởng trị giá 10.000 USD. Để đạt được vị trí trên, hai quán quân đã phải vượt qua gần 50 bài dự thi.