Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, nhất là khi tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp, chương trình, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tập thể; số hợp tác xã xếp loại khá, tốt tăng dần qua các năm, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh mong muốn lắng nghe những đánh giá, ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã để tìm ra định hướng, giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030.
Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, chuyên gia đã thẳng thắn chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn hoạt động.
Theo lãnh đạo các hợp tác xã tham dự hội nghị, những vấn đề khó khăn hiện nay của hợp tác xã là hạn chế về nguồn vốn điều lệ làm ảnh hưởng đến quá trình ký hợp đồng, khó thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trẻ, mối liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra có lúc chưa ổn định.
Về vấn đề liên kết với doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc hợp tác xã xoài xã Tân Thuận Tây mong muốn các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp, giới thiệu những doanh nghiệp chế biến có cơ sở tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển; hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận với nguồn vốn vay để chủ động ký hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (VinaRice), để gỡ khó khăn chung của hợp tác xã hiện nay, các ngành liên quan cần rà soát, đánh giá lại khả năng của những hợp tác xã hiện có, đầu tư mạnh nguồn vốn, nhân lực, chính sách đặc thù cho những tổ chức có đủ năng lực; Sở Công Thương cần xây dựng kênh liên kết, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của các hợp tác xã.
TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ ra, để nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong tỉnh, quan trọng hơn hết cần nâng cao năng lực quản trị điều hành.
Năng lực này có thể được cải thiện thông qua việc khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về sản xuất, thị trường, thành viên; áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán; khuyến khích sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Theo PGS.TS Võ Hồng Tú, Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ), nông nghiệp 4.0 là tất yếu của thời đại và hợp tác xã nông nghiệp tại Đồng Tháp cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, hiện đại để không nằm ngoài xu thế đó.
Để phát triển hợp tác xã nông nghiệp 4.0, tỉnh có những cơ hội và thách thức nhất định. Trước tiên, Đồng Tháp có thể xây dựng những mô hình điểm về nông nghiệp 4.0 ở những hợp tác xã có quy mô sản xuất lớn, có khả năng cung cấp dịch vụ nông nghiệp tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực 4.0; xây dựng các chương trình startup về nông nghiệp 4.0...
Để phát triển thành phần kinh tế tập thể trong giai đoạn 2026-2030, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị các cấp ủy phải nâng cao nhận thức, xác định kinh tế tập thể là thành phần quan trọng, phải được củng cố và phát triển; quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng phát triển tập thể về chất lượng, không chạy theo thành tích, số lượng; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã hiện có, chú trọng hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã và đối tác.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có có 927 tổ hợp tác, với trên 46.300 thành viên, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại; 229 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ là hơn 318 tỷ đồng, uớc lũy kế giai đoạn 2021-2025 phát triển mới 47 hHợp tác xã. Các tổ hợp tác, hợp tác xã tạo điều kiện cho thành viên tổ chức sản xuất ổn định và hiệu quả, nâng cao đời sống, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. |
LS