Du lịch nông thôn: “Mỏ vàng” chưa được khai thác hết

Hoàng Huyền
Vốn có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ưu đãi, làng nghề độc đáo, di tích giá trị lịch sử, du lịch Hà Nội đang dần hồi phục thích ứng linh hoạt sau dịch Covid-19. Đặc biệt, du lịch nông thôn được ví như “mỏ vàng” để ngành du lịch đa dạng sản phẩm thu hút du khách, song tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

du-lich-nong-thon-mo-vang-chua-duoc-khai-thac-het-dulichgiaitri-du-lich-1666334647.jpg
Du lịch ở Bản Xôi, xã Yên Bài, Ba Vì Ảnh: LD

Không gian mới hút khách

Vừa trải qua ngày nghỉ thú vị tại Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, huyện Thường Tín, chị Nguyễn Thu Hòa ở D2, Giảng Võ rất hài lòng khi được cùng các bạn tổ chức kỷ niệm 30 năm ra trường ở không gian đồng quê yên tĩnh, ngập tràn sắc hoa.

Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, huyện Thường Tín hội tụ những nét đẹp yên bình của một làng quê ven đô. Đến đây, du khách được thưởng lãm những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, giao lưu với các nghệ nhân và trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân”. Thả bộ ngắm những sắc hoa, rau xanh trên cánh đồng, du khách được trải nghiệm “một ngày làm nông dân”, thưởng thức sản phẩm từ trang trại, vườn cây; ngắm những kiến trúc của các di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa đặc trưng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc HTX Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân chia sẻ, toàn xã hiện có hơn 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài, huyện Ba Vì, để tiếp tục thu hút nhiều du khách, địa phương đang triển khai thực hiện mục tiêu mỗi thôn, mỗi khu vực xây dựng một sản phẩm du lịch với câu chuyện riêng, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, chỉnh trang các tuyến đường, nhà vườn đồng bộ, đẹp mắt để chào đón khách.

Khai thác những “mỏ vàng”

Các mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho người nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái, đồng thời hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến. Tuy nhiên, hiện nay phát triển du lịch nông nghiệp Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, chưa giải quyết được các vấn đề về đa dạng sản phẩm, kết nối quảng bá sản phẩm và tổ chức quản lý, phát triển mô hình. Như ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội chỉ ra rằng, sản phẩm du lịch nông thôn còn nghèo nàn, lao động chủ yếu là người dân địa phương nên thiếu kiến thức, yếu về kỹ năng thực hiện các dịch vụ.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Tại Hà Nội du lịch nông thôn được xem là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô. Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản, hiệu quả, mới đây UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, làng du lịch thông minh, du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Để thực hiện kế hoạch này hiệu quả, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, cần xây dựng được những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội; ngành Du lịch Thủ đô cần chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành và các vùng phụ cận; kết hợp khai thác sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống.

VÂN NGA