Dự thảo Luật Nhà Giáo: Nhiều điểm tích cực giúp nhà giáo yên tâm với nghề

Admin
(PNTĐ) - Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo vừa được trình lấy ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá tác động, làm rõ hơn về sự đãi ngộ miễn học phí cho con nhà giáo, chính sách tiền lương, phụ cấp... của nhà giáo. Đặc biệt, dự thảo đã rút quy định bắt buộc về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Kiến tạo môi trường pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đã có nhiều luật về giáo dục được ban hành nhưng một luật dành cho nhà giáo vẫn là mong mỏi, dự định trong hàng chục năm qua. Với lực lượng hàng triệu người, với lao động mang tính đặc thù và giá trị nghề nghiệp được đo đếm bằng chất lượng con người phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, một dự án luật riêng cho nhà giáo để thể chế với mục tiêu quan trọng nhất là giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. 

Do đó, Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo).

Dự thảo Luật Nhà Giáo:  Nhiều điểm tích cực giúp nhà giáo yên tâm với nghề - ảnh 1
Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. 

Luật sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Đồng thời nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc. Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa. Đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống. 

Dự thảo lần 5 được hoàn thiện ngày 1/10/2024, gồm 9 chương với 45 điều, bao gồm nhiều nội dung như: Quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm… Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo lần 5 được đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhà giáo là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi của viên chức hiện hành, đồng thời được hưởng một số chính sách ưu việt hơn như: Về tiền lương, về đánh giá, về chế độ làm việc, thời gian nghỉ hè, về đào tạo, bồi dưỡng… 

Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung dự thảo lần này thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo chỉ quy định những chính sách đặc thù như bổ sung chính sách ưu đãi, kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ cao…

Bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo
Một trong những điều gây chú ý tại dự thảo lần 5 là bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Lý giải về việc rút quy định này ra khỏi dự thảo, đại diện ban soạn thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Đây là nội dung mới, cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu, tổ chức thí điểm nên sẽ không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này.

Dự thảo Luật Nhà Giáo:  Nhiều điểm tích cực giúp nhà giáo yên tâm với nghề - ảnh 2
Ảnh minh họa.

 Trước đó, theo dự thảo Luật Nhà giáo công bố lấy ý kiến vào tháng 5/2024, nội dung về chứng chỉ hành nghề nhà giáo được quy định tại các Điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. 

Cụ thể, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi: Thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Việc rút bỏ quy định chứng chỉ hành nghề ra khỏi dự thảo vẫn còn ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc bỏ quy định đó là cần thiết vì lo sợ sẽ bị biến tướng ra một loại “giấy phép con”, trong khi các sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm ra đã có thể hoạt động nghề nghiệp vì được đào tạo bài bản, chuyên ngành. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng thật đáng tiếc khi bỏ quy định này vì điều đó tích cực cho đội ngũ nhà giáo. 

PGS. TS Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quan điểm để hành nghề dạy học thì phải có giấy phép hành nghề phù hợp với tiếp cận quản trị nguồn nhân lực giáo dục. Giấy phép hành nghề đóng vai trò xác định người đủ điều kiện hành nghề dạy học. Là công cụ hỗ trợ cho việc tuyển dụng nhà giáo linh hoạt, mở rộng cơ hội hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế cho nhà giáo; bảo đảm chất lượng nhà giáo thỉnh giảng hoặc người hành nghề dạy học tự do. Nó cũng là cơ sở để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm; cũng như căn cứ để đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, điểm tích cực của chính sách này là giúp nhà giáo trong hệ thống công lập và ngoài công lập được hưởng chính sách công bằng để chuẩn hoá và nâng cao trình độ chuyên môn theo chuẩn nghề nghiệp; được hưởng lương tương xứng với chức danh theo mức độ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Việc xác định chuẩn nhà giáo qua giấy phép cũng tạo điều kiện cho nhà giáo có thể tham gia thị trường lao động bằng năng lực chuyên môn sâu của mình một cách chính đáng.

Dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.