Ngày 16/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn để giải đáp chất vấn về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá.
Nên lựa chọn giảm sắc thuế để điều chỉnh giá xăng dầu?
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả. Tuy nhiên, giảm sắc thuế nào cần tính toán lại, đại biểu đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương thấy rằng, trong bối cảnh tình hình rất căng thẳng, giá xăng dầu thế giới tăng cao, để xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, Bộ trưởng đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, mô hình của chúng ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là những mặt hàng này phải có sự quản lý của Nhà nước.
"Hiện tình hình rất căng trước diễn biến giá thế giới, để xử lý tình huống bây giờ thì nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường, do đây là thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải quyết bài toán cấp bách, trước mắt. Nếu điều chỉnh các sắc thuế khác, phải chờ Quốc hội sửa luật và thông qua, thì phải tới tháng 6 tháng 7. Khi đó đã hết Quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày thì công tác điều hành vô cùng khó khăn", ông nói.
Trả lời chất vất của Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đánh giá việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày là chưa phù hợp, khi giá thế giới giảm thì trong nước chưa giảm theo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, điều hành giá 10 ngày một lần thì phù hợp với chu kỳ hạch toán của doanh nghiệp, chu kỳ lấy giá tính chỉ số CPI của ngành thống kê.
Theo Nghị định 95, nếu giá biến động quá lớn thì liên Bộ tham mưu cho Chính phủ điều hành kỳ dày hơn.
Nhưng thực tế trong điều hành thì phải cân đối lợi ích ba bên là người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. "Điều hành dày hơn doanh nghiệp đỡ khó, nhưng người dân lại khổ", ông nói.
Giá tăng liên tục, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều lỗ, nhưng "cố gắng khắc phục vì kinh doanh có lúc lỗ, lúc lãi".
Cơ chế dự trữ xăng dầu hiện nay là bất hợp lý
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), ĐB Trịnh Lam Sinh (An Giang) quan tâm với việc, doanh nghiệp thương nhân xăng dầu đã thực hiện đúng việc dự trữ xăng dầu theo quy định 20 ngày chưa.
Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện nay vừa phải dự trữ lưu thông doanh nghiệp, vừa có nhiệm vụ dự trữ lưu thông quốc gia và làm dự trữ quốc gia thì được hưởng ngân sách từ việc bảo quản xăng dầu.
"Các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Không thể nói thiếu hàng 1-2 ngày mà mất nguồn cung, không có xăng để bán được", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Bộ trưởng Công Thương giải thích.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Hiện nay dự trữ quốc gia đủ cho nhu cầu sử dụng trung bình từ 5-7 ngày. Do chưa có hệ thống kho dự trữ quốc gia riêng nên chúng ta đang giao việc dự trữ quốc gia cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối”.
Nhấn mạnh đây là một cơ chế bất hợp lý, ông Diễn cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, và nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
Về tình trạng dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ đúng hay không, ông Diên nói "đây là ẩn số".
"Nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc việc vận hành sẽ tốt hơn. Trong bối cảnh thế giới thế này phải dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm, thì lúc khó mới có cái dùng", Bộ trưởng Công Thương nêu.
“Trong hoàn cảnh thế giới khó khăn như giai đoạn này, cần thiết phải dự trữ nhiều hơn bằng sản phẩm thì lúc khó mới có mà dùng”, ông Diên chia sẻ thêm với trăn trở của các đại biểu.
Đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong phần giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý hay không. "Đây là lỗ hổng cần có giải pháp khắc phục", ông Phóc nêu.
Giải pháp theo ông, có thể tới đây lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
Bán đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia có ảnh hưởng đến giá xăng dầu?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc đề xuất bán đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia có ảnh hưởng đến giá xăng dầu hay không?, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây thực chất chỉ là việc chuyển đổi chủng loại hàng dự trữ từ xăng RON92 sang RON95.
“Việc bán đấu giá 100 triệu lít xăng dầu trên không ảnh hưởng đến việc điều hành giá xăng dầu. Chúng tôi khẳng định điều đó. Bởi vì chúng tôi không tính toán lượng xăng này vào nguồn cung cho thị trường và thực tế cũng không cần phải sử dụng.
Hơn nữa, mặt hàng dự trữ quốc gia cũng không có mục tiêu sử dụng trong những tình huồng như thế này”, ông Diên khẳng định và cho rằng đây là hoạt động bình thường tương tự như việc dự trữ lương thực.