Đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành trụ cột phát triển mới

Admin
(PNTĐ) - Sáng ngày 10/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về việc thành lập Khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn Thành phố.

Đây là bước triển khai cụ thể khoản 7 và 8  Điều 21 của Luật Thủ đô, thể hiện rõ quyết tâm đưa công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột phát triển mới, gắn với bản sắc, truyền thống và tầm nhìn sáng tạo của Hà Nội trong kỷ nguyên mới, đồng thời mở đường cho mô hình phát triển kinh tế gắn với văn hóa, bảo tồn di sản và thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo trong lòng Thủ đô.

Đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành trụ cột phát triển mới - ảnh 1
Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa với gốc rễ là bản sắc văn hóa. 

Đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo Thủ đô

Theo nội dung Nghị quyết, trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là không gian hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, cung cấp dịch vụ hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa, phát triển hệ sinh thái sáng tạo có trụ sở tại địa điểm với ranh giới địa lý xác định. Trung tâm phải bảo đảm tối thiểu 70% các hoạt động sản xuất, kinh doanh đăng ký thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bao gồm cả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, phải có phương án hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành văn hóa trong hoạt động sáng tạo, thiết kế, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày tác phẩm và sản xuất sản phẩm văn hoá. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ được hưởng chính sách ưu đãi toàn diện: Từ hỗ trợ chi phí quảng bá, đào tạo nhân lực, tư vấn sở hữu trí tuệ, đến miễn giảm tiền thuê đất, thuê công trình trong giai đoạn đầu khởi sự. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy giới trẻ, nghệ sĩ, nhà sáng tạo mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa mà trước đây còn nhiều rào cản về hạ tầng và chi phí. 

Trước những thông tin này, NTK Cao Minh Tiến cho biết, anh cũng như những người làm trong lĩnh vực sáng tạo vô cùng phấn chấn. “Khi Trung tâm công nghiệp văn hóa được hình thành, những người trẻ làm văn hóa sáng tạo sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu, tiếp xúc và phát triển trong lĩnh vực của mình. Tôi tin, với chính sách hỗ trợ toàn diện của thành phố sẽ thúc đẩy người trẻ mạnh dạn tham gia, đầu tư sôi động hơn vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đây cũng là yếu tố thu hút nhân tài cùng chung tay phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố”- NTK Cao Minh Tiến bày tỏ. 

Đáng chú ý, việc ưu tiên quy hoạch các trung tâm này tại những địa bàn có lợi thế về không gian văn hóa như bãi sông, bãi nổi sông Hồng hay làng nghề truyền thống, phố cũ... cho thấy tầm nhìn dài hạn trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trung tâm công nghiệp văn hóa, vì thế, không chỉ là “nhà máy sáng tạo” mà còn là “bảo tàng sống” của văn hóa Hà Nội. Nghị quyết cũng đưa ra nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô; bảo đảm tính đa dạng, bình đẳng về văn hóa. 

Có thể thấy, với việc thông qua Nghị quyết, Hà Nội đang hướng tới mô hình phát triển “từ gốc đến ngọn” cho công nghiệp văn hóa mà bắt đầu bằng hạ tầng cứng (quy hoạch, đất đai, công trình), đến hạ tầng mềm (chính sách, ưu đãi, ươm tạo sáng tạo), và kết nối chặt chẽ giữa bảo tồn di sản với đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh các thành phố lớn trên thế giới đang cạnh tranh bằng “quyền lực mềm” văn hóa, mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa của Hà Nội là bước đi chiến lược, đúng lúc và có chiều sâu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội khẳng định, Trung tâm công nghiệp văn hóa Hà Nội mang tính đột phá trong chính sách phát triển kinh tế văn hóa của Hà Nội. Ở đó, văn hóa không còn đứng sau kinh tế, mà trở thành nguồn lực nội sinh - là “nguyên khí” để nâng tầm Hà Nội trên bản đồ công nghiệp văn hóa toàn cầu.

Hướng đến xây dựng Thủ đô sáng tạo, văn minh và bản sắc
Điều khiến những người làm trong lĩnh vực văn hóa của Thủ đô vui mừng là bởi cả hai Nghị quyết không chỉ là đòn bẩy kinh tế cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới, mà quan trọng hơn là hướng đến việc phát triển công nghiệp văn hóa từ gốc rễ. 
Một điểm rất đáng hoan nghênh của Nghị quyết thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra là sự tôn vinh văn hóa bản địa. 

“Theo Nghị quyết thì các Trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ là nơi “kinh doanh nghệ thuật”, mà còn phải có phương án cụ thể để bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công, không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Điều này khẳng định rõ: Công nghiệp văn hóa Hà Nội không chạy theo thị hiếu tức thời, mà phát triển từ gốc rễ của truyền thống và bản sắc đô thị. Những người nghiên cứu, làm nghệ thuật truyền thống như chúng tôi rất vui mừng, bởi khi các Trung tâm đi vào hoạt động, nghệ thuật truyền thống sẽ có nhiều “đất” diễn, nhiều cơ hội lan tỏa một cách bài bản, có chiến lược từ đó tiếp cận được nhiều khán giả, du khách, đóng góp hiệu quả vào bảo tồn văn hóa và kinh tế Thủ đô”- nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ xẩm Nguyễn Quang Long bày tỏ. 

Nghị quyết thành lập Khu phát triển thương mại và văn hóa Thủ đô được thông qua cũng nhấn mạnh vào yếu tố lấy văn hóa, bản sắc làm gốc rễ. 

Theo nội dung Nghị quyết, mục tiêu của mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa là huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gồm cả vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, đây sẽ là môi trường thử nghiệm và ươm mầm các mô hình kinh tế sáng tạo - một trụ cột quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. 

Vì vậy, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng không gian trưng bày, bảo tàng nhỏ, nhà truyền thống và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Điều này cho thấy cách tiếp cận toàn diện, không chỉ phát triển kinh tế mà còn vun đắp nền tảng văn hóa bền vững, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển từ cộng đồng, từ cơ sở.

Có thể nói, Nghị quyết thành lập Khu phát triển thương mại và văn hóa tích hợp các chức năng văn hóa - thương mại - du lịch trong cùng một không gian không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Hà Nội trong quá trình đô thị hóa. Việc hình thành các khu phát triển thương mại và văn hóa không chỉ là bước đi chiến lược để cụ thể hóa Luật Thủ đô, mà còn là lời khẳng định: Phát triển kinh tế không thể tách rời bảo tồn văn hóa, và chính từ văn hóa, những giá trị bền vững, khác biệt sẽ được tạo dựng.

Tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á
Với việc thông qua hai Nghị quyết này, Hà Nội đang thể hiện rõ tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á - như cam kết với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh không gian sáng tạo ngày càng khốc liệt, mô hình Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại và văn hóa nếu được triển khai đúng định hướng, có thể trở thành cú hích lớn cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, đồng thời cho thấy rõ sự thay đổi về tư duy phát triển: Từ chỗ coi văn hóa là lĩnh vực cần hỗ trợ sang việc đầu tư vào văn hóa như một ngành kinh tế chiến lược, có khả năng tạo sinh kế, tạo việc làm, thu hút đầu tư và lan tỏa giá trị như PGS.TS Bùi Hoài Sơn từng nhận định. 

“Điều tuyệt vời nhất từ các Nghị quyết này là sự khơi thông nguồn lực xã hội. Không chỉ Nhà nước làm, mà sẽ là cuộc huy động toàn dân - từ nghệ sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu đến người dân bình thường - cùng nhau dựng xây một hệ sinh thái văn hóa bền vững. Khi văn hóa trở thành “mảnh đất lành”, nhà đầu tư sẽ đến, người trẻ sẽ trở về, và những giấc mơ sáng tạo sẽ được chắp cánh.

Nói cách khác, hai Nghị quyết không chỉ tạo đột phá về kinh tế hay hạ tầng, mà tạo nên một tâm thế mới cho Thủ đô - một Hà Nội biết trân quý quá khứ, khát khao đổi mới và vững vàng vươn mình trong làn sóng toàn cầu hóa. Đó không chỉ là sự phát triển, mà là sự phát triển có hồn cốt. Và khi một thành phố phát triển bằng hồn cốt của mình, tôi tin, thành phố đó sẽ trường tồn”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, với việc hai Nghị quyết được thông qua, nếu được triển khai hiệu quả, các trung tâm này sẽ là nơi khơi nguồn sáng tạo, nơi hội tụ của nghệ sĩ - doanh nghiệp - công nghệ -  cộng đồng, và là hình mẫu tiên phong về phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa.

Như vậy, Hà Nội đã chính thức mở cánh cửa, điều quan trọng giờ đây là cách chúng ta bước vào và viết tiếp hành trình mới của công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Và nếu Hà Nội và các địa phương khác kiên định với hướng đi này, lấy người dân làm trung tâm, lấy văn hóa làm nền tảng, thì mỗi khu phố, làng nghề, mỗi con hẻm nhỏ của Thủ đô sẽ trở thành một “tế bào sống” của một đô thị sáng tạo, nhân văn, và bền vững. “Đó chính là diện mạo mới của một Hà Nội đang vươn mình - cao hơn, sâu hơn và giàu có hơn trong hồn cốt văn hóa dân tộc”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn  một lần nữa khẳng định.