Đụng độ vẫn tiếp diễn, Thái Lan nêu điều kiện đàm phán với Campuchia

Admin
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đã loại trừ đàm phán với Campuchia cho đến khi giao tranh dọc biên giới kết thúc.

Bộ Y tế Thái Lan ngày 24/7 cho biết, 12 người, bao gồm 11 thường dân và 1 binh sĩ Thái Lan, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Campuchia tại khu vực biên giới tranh chấp.

Bộ này cho biết thêm, 31 người, bao gồm 24 thường dân và 7 binh sĩ, đã bị thương. Phía Campuchia vẫn chưa báo cáo bất kỳ trường hợp thương vong nào từ phía họ.

Sau nhiều tuần căng thẳng âm ỉ giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á, các cuộc đụng độ đã nổ ra từ đầu ngày 24/7 dọc theo một khu vực biên giới tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia, với việc cả hai nước cáo buộc lẫn nhau hành động trước.

Campuchia hứng đợt không kích thứ hai từ F-16, Thái Lan nêu điều kiện đàm phán - Ảnh 1.

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Ảnh: Thai PBS

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai ngày 24/7 cho biết, sẽ không có cuộc đàm phán nào với Campuchia cho đến khi giao tranh dọc biên giới kết thúc, Reuters đưa tin.

Ông Phumtham cho biết, không có tuyên bố chiến tranh nào được đưa ra và xung đột sẽ không lan sang các tỉnh khác. Ông nói thêm rằng, Campuchia đã bắn vũ khí hạng nặng vào Thái Lan mà không có mục tiêu rõ ràng, dẫn đến thương vong dân sự.

Campuchia đã bác bỏ cáo buộc này. Trước đó vào đầu ngày 24/7, Campuchia cho biết, một máy bay chiến đấu F-16 của Thái Lan đã thả 2 quả bom xuống một con đường.

Quân đội Thái Lan cũng xác nhận một trong số 6 máy bay chiến đấu F-16 mà họ chuẩn bị triển khai dọc theo biên giới tranh chấp đã khai hỏa về phía Campuchia và phá hủy một mục tiêu quân sự.

Campuchia hứng đợt không kích thứ hai từ F-16, Thái Lan nêu điều kiện đàm phán - Ảnh 2.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh: Pattaya Mail

Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 24/7 đã kêu gọi công dân nước mình đang sinh sống tại Thái Lan "giữ gìn đạo đức và nhân phẩm" và hãy trở về nước nếu họ "phải đối mặt với áp lực phân biệt đối xử".

"Tôi kêu gọi tất cả công dân Campuchia hãy giữ gìn đạo đức và nhân phẩm, đồng thời tránh phân biệt đối xử hoặc bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tại Campuchia, các công ty Thái Lan và công dân Thái Lan đang sinh sống tại Campuchia", ông Hun Manet cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội.

"Đối với những công dân Campuchia đang sinh sống, làm việc hoặc học tập tại Thái Lan và có thể phải đối mặt với áp lực phân biệt đối xử và muốn trở về Campuchia, xin hãy trở về đất nước chúng ta", ông Hun Manet nói thêm.

Trước đó, Thủ tướng Hun Manet đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) triệu tập một "cuộc họp khẩn cấp" về các cuộc đụng độ trong ngày 24/7.

Trong một bức thư, ông cáo buộc các lực lượng vũ trang Thái Lan đã thực hiện "các cuộc tấn công vô cớ, có chủ đích và có dự tính trước" vào các vị trí của Campuchia dọc biên giới.

Campuchia hứng đợt không kích thứ hai từ F-16, Thái Lan nêu điều kiện đàm phán - Ảnh 3.

Binh sĩ Quân đội Hoàng gia Thái Lan lái xe bọc thép trên đường ở tỉnh Chachoengsao, Thái Lan, ngày 24/7/2025. Ảnh: Getty Images

Trong một bản tin cập nhật dẫn lời một phát ngôn viên của chính phủ Campuchia, tờ Khmer Times cho biết, tính đến 18h ngày 24/7, quân đội hai nước vẫn đang giao tranh và pháo kích lẫn nhau trên tuyến đầu. Mặc dù một số chiến trường đã lắng dịu phần nào, nhưng hoạt động pháo kích vẫn tiếp diễn.

Trước đó, tờ Thai PBS cho biết, khoảng 17h ngày 24/7, Không quân Hoàng gia Thái Lan đã phát động đợt không kích thứ hai vào các mục tiêu quân sự Campuchia. Bốn máy bay chiến đấu F-16 đã tham gia nhiệm vụ này. Theo nguồn tin quân sự Thái Lan, các máy bay đã bắn trúng mục tiêu và trở về căn cứ an toàn.

Minh Đức (Theo CNN, Thai PBS, Khmer Times)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thái Lan và Campuchia xô xát trên biên giới, 2 quân nhân bị thươngĐụng độ vẫn tiếp diễn, Thái Lan nêu điều kiện đàm phán với Campuchia - Ảnh 5.