Gia đình văn hóa là tiền đề quan trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Admin
(PNTĐ) - Tại Hà Nội, công tác gia đình ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, từ đó góp phần tích cực, quan trọng vào xây dựng, phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, lấy gia đình làm nền tảng để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Gia đình văn hóa là tiền đề quan trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh - ảnh 1
Gia đình ông Lê Trung Kiên đoàn tụ sum vầy ấm áp.

Gia đình là nền tảng để phát triển
Ở Tổ dân phố Cầu Đơ 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, gia đình ông Lê Trung Kiên (SN 1952) và vợ Lê Thị Lam (SN 1964) là một tổ ấm mẫu mực với những điều ấm áp yêu thương mỗi ngày mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. 

Ở cái tuổi lục tuần, thất tuần, bà Lam, ông Kiên đã trải qua đủ các công việc ở địa phương như Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam đioxin phường Hà Cầu, thành viên Đội xã hội tình nguyện phường... Tinh thần “vì cộng đồng, vì dân” đã ngấm vào máu của 2 vợ chồng ông. 

Ông kể: Hàng năm khi Tết đến, xuân về các thành viên trong gia đình lại quây quần gói bánh chưng. Việc này vừa dạy các cháu cách gói bánh, cũng như giữ gìn nền nếp gia đình. Mặc dù công việc bận rộn, song các thành viên luôn ý thức, sắp xếp công việc phù hợp nhất có thể để ưu tiên giành thời gian cho gia đình. Đặc biệt là vào mỗi dịp cuối tuần, các ngày sinh nhật, lễ Tết, kỉ niệm.

“Trong gia đình tôi có một “bà Lam hay làm”, bà là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố và có một “ông Kiên sôi nổi” - biệt danh mọi người đặt cho tôi bởi tôi là Đội trưởng Đội văn nghệ Hội Cựu chiến binh phường Hà Cầu. Các hoạt động bóng bàn, khiêu vũ, đạp xe, hát múa, cứ hoạt động nào vui - khoẻ là tôi đều hào hứng tham gia. Hàng tuần vào tối thứ 7, vợ chồng con cháu lại quây quần đánh đàn, ca hát- đây là những khoảnh khắc mà chúng tôi thấy rất quý giá và thường động viên nhau cố gắng sắp xếp công việc để duy trì thành nếp sinh hoạt trong gia đình”- ông Kiên chia sẻ. 

Hưởng ứng các cuộc vận động, các hoạt động xã hội từ thiện, mỗi khi tổ dân phố, các chi hội đoàn thể tuyên truyền, kêu gọi, phát động, gia đình ông  đều nhiệt tình tham gia và kêu gọi người thân, bà con hàng xóm ủng hộ. Bản thân ông và vợ tham gia với Hội Cựu chiến binh phường tặng quà cho hội viên hội Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và đã hỗ trợ giúp đỡ 1 gia đình thuộc hộ cận nghèo thoát nghèo. 

Anh Lê Mạnh Cường, con trai ông Kiên chia sẻ: “Gia đình chúng tôi là một gia đình có 3 thế hệ chung sống hoà thuận, đầm ấm và yêu thương nhau. Lấy cốt lõi là tình cảm gia đình, truyền thống bố mẹ được rèn luyện trong lực lượng vũ trang, trong tổ chức Đảng gần 50 năm để dạy dỗ con cháu nỗ lực hoàn thành tốt công tác, mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng”.

 Hiện nay anh Cường đang là biên tập viên làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, vợ anh làm Biên tập viên của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Là những “chiến sĩ” trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, hai vợ chồng anh luôn phát huy truyền thống gia đình, quê hương để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan toả những thông tin tích cực tới khán giả truyền hình cả nước.

Với những cố gắng mỗi ngày, gia đình ông Lê Trung Kiên luôn được tổ dân phố và chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá là gia đình truyền thống, hạnh phúc, nền nếp, nuôi dạy con, cháu chăm ngoan, học giỏi, gương mẫu và nhiệt tình đóng góp các phong trào ở địa phương. Gia đình ông Kiên là một trong 87 gia đình văn hóa tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị tuyên dương Gia đình Văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024 vừa qua. 

Hun đúc giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Gia đình ông Kiên chỉ là một trong nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Có thể kể đến gia đình anh Chu Quang Ưng ở thôn Nhông Nương Tụ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì - một gia đình nhà giáo gương mẫu. Cả hai vợ chồng anh đều là giáo viên, dù bận rộn công việc ở trường song anh chị luôn nỗ lực sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng. Kết quả là các con anh chị đều ngoan ngoãn, học giỏi, là tấm gương sáng cho nhiều gia đình học tập. 

Hay gia đình bà Đào Thị Hoa thuộc Tổ dân phố số 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thường xuyên tham gia những hoạt động thiện nguyện. Là một Gia đình chính sách, gia đình bà không chỉ giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhiều năm liền mà còn tích cực đóng góp cho cộng đồng, được chính quyền địa phương và Thành phố ghi nhận, biểu dương. Qua đó góp phần giáo dục con cháu biết yêu thương chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn, thiệt thòi…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh tại Hội nghị “Tuyên dương gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024”: “Quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong những năm qua thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm đến mục tiêu xây dựng người Hà Nội, trong đó coi công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong 5 Chương trình toàn khóa của Thành ủy.

Sau khi có Nghị quyết TƯ 5 khoá VIII, Thành uỷ đã có các  chương trình, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố… nhằm chỉ đạo thống nhất mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ thành phố tới cơ sở.

Sở Văn hóa và Thể thao với vai trò là cơ quan thường trực về công tác gia đình, đã tập trung triển khai những nội dung chính như: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhận thức sâu sắc điều đó, việc triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa nói chung và gia đình văn hóa nói riêng được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm với những bước đi, cách làm phù hợp với bản sắc, phong tục, tập quán của nhân dân.

Thành quả đáng ghi nhận là 100% các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội từ thành phố đến cơ sở đã triển khai hiệu quả công tác gia đình thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Kết quả là đã có 1.758.788 trong tổng số 2.009.986 hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88%. Điều đó khẳng định rằng, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã, đang và ngày càng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc và của Thăng Long nghìn năm văn hiến.