Quảng Bình: Mưa lũ gây thiệt hại ban đầu khoảng 500 tỷ đồng

Admin
(Chinhphu.vn) – Tại Quảng Bình mưa lũ đã làm 5 người chết, 34.488 nhà bị ngập, 5 tàu cá bị chìm, 895 ha nuôi trồng thủy sản, 791 ha rau màu bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 500 tỷ đồng.
Quảng Bình: Mưa lũ gây thiệt hại ban đầu khoảng 500 tỷ đồng- Ảnh 1.

Lực lượng công an hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh các điểm trường

Ngày 31/10, ghi nhận tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nước đã rút dần, người dân cùng các lực lượng chức năng tích cực dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường học, trạm y tế để sớm ổn định cuộc sống với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp vệ sinh đến đó".

Tại các vùng "rốn lũ", lực lượng công an đã được điều động, trong đó nòng cốt là đoàn viên thanh niên hỗ trợ các cơ quan, trường học, đơn vị y tế bị ngập lụt trên địa bàn, dọn dẹp vệ sinh và khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, chiều ngày 29/10, khi lượng mưa giảm, mực nước trên các sông bắt đầu hạ, để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, chăn ấm cho các hộ dân bị ngập, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị hư hỏng nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm...

Huy động lực lượng hỗ trợ các địa phương, người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh ngay đến đó, nhất là ở trường học, bệnh viện, trạm y tế, các hộ yếu thế, gia đình chính sách... Đến ngày 30/10 đã có 510 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên về hỗ trợ các địa phương.

Quảng Bình: Mưa lũ gây thiệt hại ban đầu khoảng 500 tỷ đồng- Ảnh 2.

Sơ tán người dân đến nơi an toàn trong mưa lũ

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo thuốc, vật tư y tế cần thiết, tổ chức điều trị người bị thương, bị bệnh sau lũ lụt; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt, nhất là bệnh về mắt, đường tiêu hóa và bệnh ngoài da.

Đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra cơ sở hạ tầng sau mưa lũ, kịp thời phát hiện các hư hỏng nhằm kịp thời có giải pháp ứng phó; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt. Hiện tại trên quốc lộ 9B, 9C vẫn còn một số điểm đang xử lý, đảm bảo thông tuyến sớm.

Theo báo cáo sáng 31/10, ngành điện Quảng Bình đã khắc phục và phục hồi cung cấp điện lại cho 162.000 khách hành/180.000 khách hành bị ảnh hưởng, đạt hơn 90%, các khu vực còn lại hiện đang ngập lụt nên chưa thể khôi phục cấp điện.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ đêm 26-29/10 có mưa rất to, lượng mưa tại vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh phổ biến từ 600-780 mm.

Xác định mức độ nghiêm trọng của đợt mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động các phương án theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó việc đảm bảo tính mạng con người được đặt lên hàng đầu; khẩn trương rà soát các địa điểm dân cư, các đồn, trạm... có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, ngập sâu chủ động, kiên quyết di dời đến nơi an toàn.

Đợt mưa lớn gây ngập lụt, thiệt hại nặng cho vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới, đã làm 05 người chết; 34.488 nhà bị ngập, trong đó 14.000 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m; 58 thôn, bản bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Khoảng 791 ha rau màu, 895 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi; 70.538 gia cầm, 488 gia súc bị chết và cuốn trôi; 5 tàu cá bị chìm; 84 điểm đường giao thông bị ngập, 10 điểm sạt lở mái taluy đường với trên 3.000 m3 đất, đá; 93 điểm trường với 832 phòng học và 20 trạm y tế bị ngập từ 0,5-3m; khoảng 9,65km đê bao bị sạt lở, hư hỏng và 19,6km kênh mương bị sập, hư hỏng.

Thiệt hại do thiên tai mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước tính ban đầu khoảng 500 tỷ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 245 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 125 tỷ đồng.

Lưu Hương