Giá vàng biến động: Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được

Admin
(PNTĐ) - Thảo luận tại tổ ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội quan tâm đến tình trạng giá vàng biến động ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá và cần có chính sách quản lý chặt.

Tin liên quan

Báo động già hóa dân số khi giới trẻ không lập gia đình, không muốn sinh con

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng rất thấp khiến người dân không mặn mà gửi tiết kiệm, mà dùng tiền đấy đầu tư, có thể đầu tư vàng, bất động sản… Do đó, cần phải xem lại chính sách về điều hành lãi suất của ngân hàng, cần phải có sự linh hoạt. 

Giá vàng biến động: Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu

Ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay, nhưng có phải giảm đến mức mà lãi suất huy động quá thấp như thế để chúng ta không huy động được vốn vào nền kinh tế hay không? Đại biểu nêu quan điểm rằng như vậy cũng không phải là tốt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, lãi suất cho vay phải xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động cũng phải trên mức dự báo về lạm phát. Lãi suất huy động phải từ 5-6% mới có thể duy trì được, mà lãi suất huy động 5 - 6% thì lãi suất cho vay phải đến khoảng 8%.

Mức lãi suất này không phải là vấn đề khó với doanh nghiệp, vấn đề là doanh nghiệp có tiếp cận được không, có khả năng hấp thụ được không chứ không phải vấn đề là phải hạ lãi suất của doanh nghiệp; và cũng đừng có đẩy lãi suất lên cao trên 10% như trước đây. 

Theo đại biểu, nếu chúng ta duy trì được lãi suất cho vay ổn định khoảng 7-8%, các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ sẽ sẵn sàng chấp nhận, sẽ đảm bảo cân bằng được điều hành lãi suất và lạm phát.

Về giá vàng tăng bất thường, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, giá vàng thế giới tăng thì trong nước tăng, nhưng giá vàng trong nước càng ngày càng chênh lệch lớn, tách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Khi giá vàng tăng cao, sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. 

Theo đại biểu, người dân sẽ không đầu tư lĩnh vực khác, không gửi tiền vào ngân hàng nữa, chuyển sang xếp hàng mua vàng, rõ ràng đây là vấn đề; do vậy Nhà nước cần thiết phải kịp thời xử lý, điều hành. 

Vì vậy, phải đưa giá vàng trong nước ngang với liên thông thế giới về mặt dài hạn; đồng thời phải sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, vì chính Nghị định này đang sinh ra tác động ngược.

Nghịch lý khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu, thì ngay sau đó giá vàng lại tăng vọt. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn, giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước.

Việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu. Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.

Giá vàng biến động: Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được - ảnh 2
Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu.

Nhất trí với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, giá vàng rất quan trọng bởi khi giá vàng biến động sẽ ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được, và có thể nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế như trước đây. Do đó, cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá.