Phong trào "Dòng họ, làng, thôn, tổ dân phố không có hộ nghèo" đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện vai trò trách nhiệm của đội ngũ trưởng thôn, trưởng làng, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín trong dòng họ, trưởng tộc và toàn thể nhân dân nhằm góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của cấp ủy các cấp đề ra.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện uỷ, ngày 02/4/2023 tất cả 14 xã, thị trấn trên toàn huyện đã đồng loạt tổ chức lễ phát động phong trào "Dòng họ, làng, thôn, tổ dân phố không có hộ nghèo", với sự tham gia đông đảo hưởng ứng tích cực của người dân, đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ; tại các buổi lễ phát động đã kêu gọi hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo của các xã, thị trấn. Một số địa phương đã thực hiện hiệu quả việc huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân như: Phú Gia, Phú Lương, Phú Thuận, Vinh An…
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, thiết thực như: Vận động các mạnh thường quân mua bảo hiểm hàng năm cho 11 hộ/15 hộ để thoát nghèo, ở thôn Tân An, xã Phú Thuận, với giá trị gần 8 triệu đồng; mô hình hỗ trợ tiền hàng tháng cho 3/6 hộ thoát nghèo ở thôn Hà Úc 3 và An Mỹ của xã Vinh An, với 300.000 đồng/ hộ/tháng…
Nhờ phát huy hiệu quả, theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Vang, tính đến tháng 11/2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 566 hộ (tỉ lệ: 1,59%); hộ cận nghèo: 993 hộ (tỉ lệ: 2,79%).
Về công tác đào tạo nghề, có 47 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đào tạo nghề theo Quyết định 90/QĐ-TTg; Về công tác giải quyết việc làm mới: 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 132 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Chính sách hỗ trợ nhà ở: Các nguồn huy động từ Ủy ban MTTQVN tỉnh, huyện và của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã triển khai hỗ trợ 27 nhà, kinh phí 865 triệu đồng (cụ thể: hỗ trợ xây mới 10 nhà, kinh phí 540 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 17 nhà, kinh phí 325 triệu đồng).
Về chính sách tín dụng ưu đãi (số liệu tính đến ngày 30/9/2024):
- Cho vay hộ nghèo: 18 hộ với 1.160 triệu đồng.
- Cho vay hộ cận nghèo: 75 hộ với 5.040 triệu đồng.
- Cho vay hộ mới thoát nghèo: 743 hộ với 51.780 triệu đồng.
- Cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ: 33 người với 2.470 triệu đồng
- Vay vốn GQVL 613 người với 37.075 triệu đồng.
Xác định phong trào là chủ trương lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn xã hội, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về tầm quan trọng công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị trong suốt quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo tại địa phương. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, công tác giảm nghèo của huyện Phú Vang đã được tổ chức triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Phong trào "Dòng họ, làng, thôn, tổ dân phố không có hộ nghèo" trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quán triệt, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hai là, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quán triệt tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững đối với các chương trình an sinh xã hội của huyện; trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Ba là, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ huyện đến cơ sở.
Bốn là, tăng cường công tác vận động, tranh thủ kêu gọi các nguồn lực của các mạnh thường quân để tập trung công tác xóa nghèo. Đặc biệt là duy trì triển khai có hiệu quả hơn nữa phòng trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo". Phát huy tính tích cực của Trưởng làng, Trưởng họ, người có uy tín trong dòng tộc để tuyên truyền, vận động phong trào giảm nghèo ngay từ cơ sở, dòng, họ, làng, thôn.
Hiền Nguyễn- Lê Kông