Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ
Thống kê từ Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho thấy, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 15.000 tấn chè, đem về 26 triệu USD, tăng 39,1% về lượng và tăng 39,3% về giá trị so với tháng 8/2024. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108 nghìn tấn và 189 triệu USD; tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia vùng lãnh thổ.
"Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè. Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt Việt Nam còn sở hữu gần 20.000 ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như Suối Giàng Yên Bái, Hà Giang, Tà Xùa - Sơn La... Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới", ông Long khẳng định.
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, giá chè Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế vẫn còn thấp. Theo ước tính, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka.
Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu chè ở giá trung bình là 1,7 USD/kg trong khi giá trung bình của thế giới là 2,6 USD/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long cho biết nút thắt giá rẻ xuất phát từ tình trạng "dễ mua, dễ bán" của nhiều doanh nghiệp trong ngành. "Thái độ mua bán dễ dãi khiến họ không trau chuốt, làm mới, đẩy ngành chè vào bẫy giá rẻ của thế giới", ông nói. Cũng theo ông, trong một thời gian dài, ngành chè đối diện với tình trạng sản xuất manh mún, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Thời kỳ thị trường sôi động, các xưởng sản xuất "mini" nổ ra, có tỉnh lên tới 100 xưởng sản xuất chè, dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán, dìm giá lẫn nhau.
"Chúng ta phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng thì mới nâng cao giá bán lên được. Cứ dìm nhau, phân tán, phân chia thị trường thì không thể thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới", đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết.
Khai thác 'vàng xanh'Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nhìn nhận 6 cây công nghiệp chủ lực, chỉ riêng cây chè có nguồn gốc Việt Nam, các cây còn lại du nhập từ nước ngoài. "Vì vậy, phát triển ngành chè vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ để cây chè tương xứng với vị thế của loại cây bản địa Việt Nam", ông Mạnh phân tích.
Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới, đơn vị sở hữu thương hiệu trà Cozy, nhấn mạnh vào vấn đề thay đổi tư duy để đưa ngành chè thoái bẫy giá rẻ. Ông quan niệm, cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo, mà đã trở thành cây làm giàu. Ngành chè không nên chạy theo sản xuất giá rẻ, tập trung vào số lượng, vì chi phí nhân công trong ngành ngày càng gia tăng; người lao động có nhiều cơ hội việc làm tại các khu công nghiệp nên không còn chấp nhận thu nhập thấp.
Bộ NN&PTNT đã có Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 xác định chè là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực, cây trồng trọng điểm, có nhiều đóng góp cho ngành NN&PTNT. Chính vì vậy, tất cả vấn đề từ giải pháp kỹ thuật, định hướng phát triển cho từng vùng và các chính sách kèm theo đều nhằm mục tiêu phát triển ngành chè ổn định và bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước ổn định khoảng 120 - 125 nghìn ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 98 - 100 nghìn ha, vùng Bắc Trung Bộ khoảng 10 - 12 nghìn ha, vùng Tây Nguyên khoảng 8 - 10 nghìn ha, còn lại được trồng tại một số tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam… Sản lượng chè hàng năm đạt từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn.
Song song với đó là các giải pháp áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như trồng cây che bóng; tưới nước tiết kiệm; cơ giới hóa khâu đốn, thu hoạch búp chè; sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật... Mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất GAP và tương đương đạt khoảng trên 70%, được cấp mã số vùng trồng đạt trên 70%...
Với diện tích chè già cỗi, cần trồng tái canh bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; 100% diện tích chè trồng mới được sử dụng giống đạt tiêu chuẩn. Ở những nơi có điện kiện, gắn phát triển vùng trồng chè với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ (Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng...).
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, muốn đạt được mục tiêu nói trên, trước hết cần phải ổn định diện tích trồng chè. Xây dựng bộ giống chất lượng cao, cơ cấu giống phù hợp với từng địa phương, từng vùng sinh thái trồng chè nhằm đảm bảo Việt Nam có vùng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu chế biến, tiêu chuẩn thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng.
"Mục tiêu lớn nhất là nhằm đảm bảo trên một diện tích sản xuất, năng suất, sản lượng và chất lượng chè đạt mức cao nhất. Từng bước tái cơ cấu ngành chè theo hướng sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng các vật tư đầu vào tiết kiệm nhất, ít nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung và bền vững. Liên tục đổi mới quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng vật tư đầu vào để vừa bảo vệ được môi trường sản xuất, bảo đảm khả năng phòng trừ các sinh vật gây hại trên cây chè, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng cao để sản xuất chè theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững theo hướng tuần hoàn", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đỗ Hương