Tín dụng tăng cao, trái phiếu "được mùa"

Admin
(Chinhphu.vn) - Trái phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường trong tháng 6/2025, khi tín dụng tăng cao vượt xa huy động, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh phát hành để bảo đảm an toàn vốn. Để thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu xanh phát triển bền vững, cần sự phối hợp từ tất cả các bên: cơ quan quản lý hoàn thiện khung pháp lý; tổ chức tài chính triển khai sản phẩm tín dụng xanh; doanh nghiệp chủ động minh bạch...
Tín dụng tăng cao, trái phiếu "được mùa"- Ảnh 1.

Trái phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường trong tháng 6/2025, khi tín dụng tăng cao vượt xa huy động, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh phát hành

 Trái phiếu bất động sản có tín hiệu tích cực nhờ tháo gỡ pháp lý

Theo báo cáo "Tâm điểm Trái phiếu tháng 6/2025" của FiinRatings – đối tác chiến lược của S&P Global, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 6 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế tăng tới 9,9%, vượt xa tốc độ tăng trưởng tiền gửi. Khoảng cách này khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) phải phát hành lượng lớn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, từ đó bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn cũng như các chỉ số thanh khoản quan trọng như LDR (dư nợ tín dụng/huy động vốn) và hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Tính riêng trong tháng 6, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước và toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm tới 76,3% – tương đương gần 190 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, trái phiếu bất động sản cũng có tín hiệu tích cực nhờ tháo gỡ pháp lý. Tổng giá trị phát hành nhóm này đạt khoảng 39,6 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm, chiếm 67,3% trong nhóm phi tài chính, tương đương gần 24% tổng phát hành.

Dù tăng trưởng mạnh, nhưng việc phát hành vẫn chủ yếu qua hình thức riêng lẻ. Hoạt động chào bán công chúng chỉ đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, bằng 76,8% của cả năm 2024. Tuy nhiên, chỉ có các ngân hàng thương mại và hai công ty chứng khoán thực hiện phát hành trái phiếu thông qua chào bán ra công chúng.

Lãi suất thấp, mua lại sôi động nhưng vẫn cần lưu ý rủi ro vẫn tiềm ẩn

Một điểm đáng chú ý khác là môi trường lãi suất tiếp tục hỗ trợ mạnh cho thị trường trái phiếu. Lãi suất danh nghĩa (coupon) bình quân giảm từ 7,43% xuống còn 6,69% trên toàn thị trường. Trong đó, 64% khối lượng phát hành theo lãi suất cố định, 22% thả nổi và phần còn lại kết hợp.

Hoạt động mua lại trái phiếu tăng mạnh, với giá trị giao dịch trong tháng 6 cao hơn 1,2 lần so với tháng trước. Tổng giá trị mua lại 6 tháng đầu năm tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, áp lực trả nợ vẫn lớn khi giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, đặc biệt với nhóm phát hành phi tài chính.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch tháng 6 đạt gần 137,1 nghìn tỷ đồng, trung bình 6,53 nghìn tỷ/ngày – tăng 13,4% so với tháng trước. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm gần 71% tổng giá trị giao dịch. Đáng chú ý, nhóm bất động sản ghi nhận mức tăng 37,6% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu. Trong 6 tháng đầu năm, có 23 nghìn tỷ đồng TPDN được ghi nhận là "có vấn đề", giảm 31% so với cùng kỳ nhưng vẫn đáng lo ngại.

Đáng chú ý, các chuyên gia đánh giá khung pháp lý mới giúp tăng chất lượng quản lý thị trường khi từ ngày 1/7/2025, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định quan trọng về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ – không được vượt quá 5 lần, kể cả phần vốn từ lô trái phiếu dự kiến phát hành. Quy định này giúp tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường và giảm rủi ro phát hành tràn lan.

Đồng thời, một số doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển sang hình thức chào bán công chúng để đáp ứng quy định mới.

Hướng tới thị trường trái phiếu xanh, cần hành động đồng bộ

Tuy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã đạt 140 tỷ USD vào năm 2025, nhưng trái phiếu xanh chỉ chiếm chưa đầy 1%. Để tăng tỷ trọng này, Việt Nam cần một chiến lược rõ ràng, với công cụ và chính sách minh bạch, ưu đãi hiệu quả để thu hút nhà đầu tư vào các dự án giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã có Chiến lược phát triển thị trường carbon tại Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025, lãnh đạo Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Mục tiêu chính của Đề án là thiết lập thị trường các-bon để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Mới đây, ngày 4/7/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng nhằm thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam.

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng – với vai trò là bên phát hành trái phiếu và cấp tín dụng xanh cần xây dựng quy trình thẩm định rõ ràng, đào tạo cán bộ, áp dụng chuẩn mực quốc tế. Cùng lúc, doanh nghiệp phải chủ động hoàn thiện hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, và có cơ chế giám sát nội bộ minh bạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phát huy vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa được Bộ Tài chính cấp phép. Trong khi trên thế giới, hầu hết các trái phiếu xanh đều đi kèm đánh giá của bên thứ ba (second-party opinion) hoặc xác nhận độc lập (verification).

Ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – chia sẻ: Ngân hàng này đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh trong năm 2024, tuân thủ cả tiêu chuẩn quốc tế và quy định nội địa.

Vietcombank xác định phát triển bền vững là mục tiêu dài hạn, và ESG sẽ được lồng ghép vào mọi hoạt động. Ngân hàng đang triển khai tái cấp vốn từ nguồn trái phiếu xanh và phát triển dịch vụ tư vấn xanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Thăng Long (Vụ các định chế tài chính, Bộ Tài chính) cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược thị trường carbon, với mục tiêu triển khai thí điểm thành công chậm nhất vào năm 2027. Theo đó, các ngân hàng như Vietcombank sẽ đóng vai trò hạt nhân thanh toán và dẫn dắt hoạt động thị trường.

Anh Minh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khôi phục niềm tin, hoàn thiện cơ chế để phát triển thị trường TPDNKhôi phục niềm tin, hoàn thiện cơ chế để phát triển thị trường TPDN
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xác định lĩnh vực, tiêu chí trọng tâm của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanhXác định lĩnh vực, tiêu chí trọng tâm của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh