
Hà Nội tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhìn lại kết quả phát triển kinh tế Hà Nội trong năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp quý sau luôn cao hơn quý trước; 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng mạnh so với năm 2023.
Đặc biệt, số lượng đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,2%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng 6,52% của tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên, từ đó gia tăng mức đóng góp vào GRDP.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều đó có nghĩa, muốn đạt tăng trưởng kinh tế cao, sản xuất công nghiệp sẽ phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay, kim ngạch xuất khẩu Hà Nội nói riêng cả nước nói chung tăng tăng trưởng cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA đã ký kết. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế, tích cực tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài…
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đã thỏa thuận hợp đồng đến hết quý II/2025 và bảo đảm việc làm cho người lao động đến cuối năm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành Thành phố cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Thành phố nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng…
Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước… Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất hướng đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.
Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp trên.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chú trọng triển khai chính sách về lãi suất tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên... tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố Hà Nội cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.
Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Việc kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...
Thùy Linh