iChương trình Mỗi xã phường một sản phẩm của Thành phố Hà Nội được viết tắt là OCOP Hà Nội. Đến nay, qua 02 năm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội có 1054 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao, 5 sao và tiềm năng 5 sao. Như vậy, với kết quả trên, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, qua 02 năm đánh giá từ năm 2019-2020, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, trong đó có 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 5 sao, có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,61%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,36%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29,03%). Trong tổng số 1054 sản phẩm OCOP Hà Nội, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,56%), Đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,85%), Thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,66%), Vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,56%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,37%).
Chương trình OCOP của Hà Nội những năm qua đã thu hút sự tham gia, đồng hành phát triển của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh. Hiệu ứng lan tỏa của Chương trình OCOP đã giúp giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động khu vực nông thôn.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của Thành phố tổ chức định kỳ kiểm tra các sản phẩm; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn xếp loại sản phẩm và các quy định khác của Nhà nước theo quy định...
Trong số 20 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao, Hà Nội có đến 4 sản phẩm, dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao.
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia. Theo đó, cả nước có tổng số 20 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.
Đáng chú ý trong số này, Hà Nội có đến 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen. Cả 4 sản phẩm OCOP 5 sao này đều do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất.
Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của thủ đô Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các sản phẩm tham gia OCOP chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã. Trong đó, chiếm số lượng đông đảo là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm dự thi đều được chấm theo 3 vòng, bảo đảm các tiêu chí theo quy định.
Để nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở nhằm lựa chọn ra các sản phẩm có lợi thế của địa phương mình để tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện để các chủ thể tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với những sản phẩm OCOP có tiềm năng xuất khẩu, Hà Nội sẽ tư vấn, hỗ trợ các chủ thể được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Đây là cơ sở để khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội đối với người tiêu dùng...
Hà Nội cũng sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm sản của thành phố, trang điện tử (http://nongthonmoihanoi.gov.vn) phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội; xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện, thị xã.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ xây dựng một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP...
Các chủ thể muốn tham gia vào Chương trình OCOP có thể liên hệ với UBND các xã, phường, thị trấn để gửi về phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã tổng hợp và hoàn thiện quy trình dự thi sản phẩm cấp huyện. Khi đó, họ sẽ được dự lớp tập huấn, hướng dẫn chu trình thực hiện OCOP; được tư vấn, hỗ trợ, nâng cấp chất lượng, hoàn thiện các hồ sơ minh chứng sản phẩm..., qua đó có sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp.
Chương trình phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội. Thông tin chi tiết về OCOP Hà Nội được cập nhật tại địa chỉ: https://nongthonmoihanoi.gov.vn/
HÀ LINH/baophunuthudo.vn