Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum và các tỉnh ĐBSCL là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và có giá trị. Những năm qua, Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTTDL các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai nhiều chương trình, mô hình du lịch mới, phù hợp với từng địa phương, xây dựng nên các tuyến du lịch. Đã có nhiều công ty lữ hành du lịch Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhận thấy du lịch miền Tây Nam Bộ thực sự rất hấp dẫn đối với du khách Hà Nội bởi sự khác biệt về văn hóa, con người hiền lành, mến khách và những sản phẩm du lịch sông nước vô cùng đặc sắc.
Để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất ngành Du lịch các tỉnh, thành phố cùng phối hợp triển khai, hợp tác một số nội dung: Thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh ĐBSCL. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương trên các kênh truyền thông, cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương, các Đài Phát thanh và truyền hình trên cả nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Phối hợp tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao. Kết nối các sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương; có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa. Trao đổi công tác, kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là trong việc quản lý, bảo đảm giữ vững môi trường du lịch xanh, thân thiện môi trường góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, bền vững. Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ số trong phát triển du lịch; khai thác giá trị di sản, tiềm năng của các địa phương, xây dựng những sản phẩm du lịch thông minh, tăng cường cung cấp cho du khách những dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số hiện nay.
Chia sẻ về những tiềm năng lợi thế của du lịch địa phương, Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, các chỉ tiêu du lịch của Cần Thơ cơ bản đã đạt và vượt số liệu năm 2019, riêng chỉ tiêu khách quốc tế còn hạn chế. Cũng theo ông Tuấn, TP. Cần Thơ có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch MICE, du lịch sông nước, du lịch văn hóa... TP. Cần Thơ hiện có 38 di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng trong đó có 14 di tích cấp quốc gia, 04 loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Văn hóa Chợ Nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ và nhiều công trình văn hóa như Đền thờ Vua Hùng, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và nhiều điểm đến du lịch sinh thái, vườn trái cây hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng khách du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất du lịch Cần Thơ phát triển đồng bộ, hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, nhiều trung tâm thương mại dịch vụ, mua sắm, trung tâm hội nghị quy mô, khu vui chơi giải trí hiện đại... đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cho khách du lịch. Hội nghị chính là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch, văn hóa và con người. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp du lịch giao lưu, xây dựng mối quan hệ phát triển kinh doanh du lịch đồng thời thắt chặt liên kết hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và tỉnh KonTum và TP. Cần Thơ với các địa phương vùng ĐBSCL.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng trong đẩy mạnh liên kết du lịch và xây dựng sản phẩm đặc thù cho mỗi địa phương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Bạch Thị Mân cho rằng: Cần kết nối các chuỗi giá trị đặc thù để tạo thành chuỗi những sản phẩm du lịch hấp dẫn hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng, phát huy tính liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch chung của các vùng, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của cụm Tây Nguyên với các tỉnh phía Bắc, cụm Tây Nguyên với cụm ĐBSCL như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam. Liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch không chỉ nằm trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia, một khu vực.
Chia sẻ về các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, bà Mân bày tỏ mong muốn cùng các địa phương đưa ra các giải pháp, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới thu hút khách du lịch; phối hợp tạo điều kiện để các đơn vị lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, với trọng điểm bước đầu hình thành và xây dựng tour liên kết “ Hành trình di sản” giữa các vùng và tour “ Hành trình 3 quốc gia - 1 điểm đến”; liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương để phát huy thế mạnh của liên kết vùng; liên kết và tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến chung; kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và nhu cầu nhân lực của mỗi vùng; Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác gắn chặt với bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý...
Đại diện các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Nhữ Thị Ngần trình bày tham luận về định vị thương hiệu du lịch thành công từ việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Theo bà Ngần, việc chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là vô cùng cần thiết bởi nó đại diện cho giá trị riêng biệt chỉ địa phương và điểm đến này có được. Bên cạnh đó, tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn, kích thích sự tò mò của du khách quay lại nhiều lần; tạo lợi thế cạnh tranh tối ưu bằng sản phẩm nổi trội; tạo ra sự phong phú và đa dạng cho du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế; bảo tồn giá trị truyền thống và giữ gìn chất liệu riêng có của từng địa phương.
Dẫn chứng cụ thể cho sự thành công trong định vị thương hiệu du lịch Hà Nội thông qua các sản phẩm du lịch đặc thù, bà Ngần đánh giá cao nhóm sản phẩm gắn chặt chẽ với bảo tồn di sản văn hóa: Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; Du lịch sáng tạo (Nhà ga xe lửa Gia Lâm, Công trình Tháp nước Hàng Đậu), Du lịch đêm, Du lịch ẩm thực, Du lịch sự kiện lễ hội đặc thù tiêu biểu, Du lịch làng nghề thủ công truyền thống, Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, thể thao, nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên... Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng rất thành công các tour tham quan đặc biệt tạo cảm xúc mạnh và chạm tới trái tim du khách: Tour tham quan và viếng Lăng Bác Hồ - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hành trình Tứ Bất tử, đi bộ “Kiến trức Pháp trong lòng Hà Nội...
“Giá trị đặc thù trong du lịch giúp địa phương được định vị thương hiệu với màu sắc riêng biệt: Không sao chép, không trùng lặp, không nhàm chán, tăng tính liên tuyến nhằm giữ chân du khách lâu dài; thúc đẩy quảng bá chéo giữa các địa phương; khuyến khích gia tăng chi tiêu của du khách. Đây là những tiêu chí giúp Hà Nội thành một điểm cầu quan trọng, vừa khẳng định giá trị riêng và đặc sắc, vừa kết nối các địa phương khác để tạo thành một bức tranh tổng thể về du lịch vùng, du lịch quốc gia phong phú, đa dạng, đa sắc màu ... hướng tới định vị thương hiệu và phát triển du lịch bền vững”, bà Ngần nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản: Bất cứ tỉnh nào cũng có những lợi thế và hạn chế nhất định vì vậy cần có sự liên kết hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm phát triển các dự án, đào tạo nhân lực, làm mới sản phẩm cũ... Đặc biệt, các địa phương cần biến những sản phẩm du lịch thậm chí các lợi thế chưa phải là sản phẩm du lịch trở thànhhàng hóa mang đến những trải nghiệm thú vị nhất cho du khách cũng như quyền lợi cho địa phương mình.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội du lịch của các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập đồng thời hiến kế nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản phẩm, tour tuyến giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong thời gian tới, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm để tạo nên những sản phẩm, chương trình tour mang tính đặc thù của từng địa phương, nhằm thu hút khách đến và quay lại các điểm đến nhiều lần.
Hội nghị đã nhận được sự nhất trí, đồng tình của lãnh đạo các địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch vì sự phát triển du lịch chung giữa Hà Nội và các địa phương. Hy vọng rằng, sự đồng thuận và vào cuộc của các địa phương sẽ mang lại những kết quả thiết thực, tạo ra làn sóng mới cho du lịch Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển du lịch quốc gia.
Phương Nhi