Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Dễ tạo môi trường phát sinh tiêu cực

Admin
"Những người lao động đi chiếc xe cà tàng, trị giá khi bán đi tầm 5 triệu, nhưng nộp phạt đến 7-8 triệu đồng thì chắc chắn 10 người thì cả 10 đều bỏ xe", ĐBQH băn khoăn với đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với nghị định 168 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn áp dụng từ tháng 7/2025.

Đề xuất trên đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận với nhiều ý kiến khác nhau.

 Nghị định 168 đã đủ tính răn đe

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng Hà Nội cần cân nhắc thật sự kỹ lưỡng, trong đó phải chỉ rõ được tính hiệu quả của việc tăng mức phạt và khả năng tác động đa chiều của chính sách.

"Chúng ta tăng mức phạt để tăng tính răn đe, phòng ngừa, thuyết phục hay là để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Nếu đã xác định phạt để răn đe, phòng ngừa thì phải có mức phạt hợp lý, tránh những hiệu ứng không đáng có. Tôi cho rằng quy định phạt trong Nghị định 168 mới đây đã đủ tính răn đe và trên thực tế từ khi áp dụng đã tạo ra được những chuyển biến tích cực", ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng với mức phạt cao có thể sẽ tạo ra môi trường dễ phát sinh hành vi tiêu cực giữa người vi phạm với lực lượng chức năng.

Chưa kể, với mức phạt cao, nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ phương tiện cũ, giá trị thấp thay vì nộp phạt. Điều này có thể gián tiếp tạo ra áp lực cho lực lượng chức năng trong việc tạm giữ các phương tiện vi phạm. 

"Những người lao động đi chiếc xe cà tàng, trị giá khi bán đi tầm 5 triệu đồng, nhưng bị nộp phạt đến 7-8 triệu đồng, như vậy thì chắc chắn 10 người thì cả 10 đều bỏ xe", ông Hòa giải thích thêm.

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Dễ tạo môi trường phát sinh tiêu cực- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

"Tất nhiên, nếu căn cứ Luật Thủ đô, Hà Nội có quyền tăng mức phạt so với quy định chung. Nhưng tôi cho rằng Hà Nội phải đánh giá thật kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, bao gồm cả mức độ đồng tình của dư luận, của người dân. Làm sao, khi mức phạt phải phù hợp với thực tế và hợp lòng dân", ĐBQH này phân tích.

Phải tính đến điều kiện thực thi

Phân tích đề xuất của Tp.Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng mục đích của việc xử phạt là bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính răn đe, ngăn ngừa hành vi. Do đó, việc phạt nặng có ý nghĩa quan trọng để cảnh báo người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành, không dám vi phạm. Như vậy, về mặt chủ trương, việc tăng mức phạt là cần thiết. 

Tuy nhiên, giống như mọi chính sách, bên cạnh mục tiêu hướng đến, muốn tăng mức phạt cần phải xem xét điều kiện để thực hiện, triển khai chính sách cũng như bối cảnh xã hội. 

"Việc phạt nặng hay phạt nhẹ đôi khi không quá quan trọng. Điều quan trọng là với quy định vậy, chúng ta liệu có đủ điều kiện để thực hiện chính sách bảo đảm đúng mục tiêu và không tạo ra các hệ lụy khác cho xã hội", chuyên gia này phân tích.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là chưa phù hợp xuất phát từ việc đánh giá điều kiện kinh tế và phát triển của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Bên cạnh đó, diện mạo hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội phát triển chưa đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho việc chấp hành quy định của người dân.

Hà Nội đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Dễ tạo môi trường phát sinh tiêu cực- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải.

Đặc biệt, Nghị định 168 vừa có hiệu lực. Hà Nội cần có thời gian để đánh giá, rút kinh nghiệm về tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị định 168. Nếu sau thời gian dài thực hiện, nhận thấy tình hình vi phạm giao thông còn phức tạp, thì việc tăng mức phạt là hoàn toàn hợp lý. Tất nhiên, để đánh giá một chính sách thì cần có độ trễ về mặt thời gian.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng để Hà Nội trở thành đô thị an toàn, văn minh, các chính sách quản lý giao thông cần được thực thi nghiêm minh nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế, tránh tạo ra những bất cập do sự phát triển chưa đồng bộ và gây khó cho người dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân hiểu và chấp hành một cách tự nguyện, thay vì chỉ thực hiện vì lo sợ bị xử phạt.