Trên cơ sở những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo, như:
– 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa;
– 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa;
– 70-73% đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu Đơn vị văn hóa;
– Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa: 100%;
– Số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 15 di sản;
– Số di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt: 03 di tích; Nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia: 8 di tích; Xếp hạng di tích cấp Thành phố: 80 di tích...
Để hoàn thành các mục tiêu, Hà Nội đề ra 10 nhiệm vụ, giáp pháp: Trong đó có nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trước hết là cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước của Thành phố; đồng thời thống nhất quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan trọng; mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu (nhất là người đứng đầu); đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết TW4 (khóa XI, XII) và các văn bản khác của Đảng, Thành ủy, cấp ủy đảng các cấp. Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn vốn xã hội hóa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình...