Hà Nội tiên phong trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử

Admin
(PNTĐ) - Trước đây, khi đi KCB bằng BHYT, bệnh nhân phải mang theo hàng loạt giấy tờ như thẻ BHYT, CCCD, sổ khám bệnh, thậm chí là cả những kết quả xét nghiệm trước đó. Điều này không chỉ gây bất tiện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất mát hoặc nhầm lẫn thông tin. Tuy nhiên, nhờ việc liên thông dữ liệu trên VNeID, người dân giờ đây chỉ cần mang theo điện thoại thông minh đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử, giúp đơn giản hóa quy trình khám bệnh.

Thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID là bước đầu tiên của số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân, thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Từ đó, mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế trên phạm vi toàn quốc. Dữ liệu của người dân, sau khi số hóa sẽ được bảo mật ở mức tối đa.

Hà Nội tiên phong trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử - ảnh 1
Sổ sức khỏe điện tử được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Chị Khổng Thu Hằng (42 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) là một trong những bệnh nhân đã trải nghiệm sự tiện lợi này khi khám tại BVĐK Xanh Pôn. "Trước đây, mỗi lần đi khám tôi đều phải nhớ mang theo bệnh án cũ và các kết quả xét nghiệm trước đó. Nhưng giờ đây, mọi thứ đều có trên ứng dụng VNeID, bác sĩ chỉ cần mở hệ thống là thấy ngay lịch sử bệnh án của tôi"- chị Hằng chia sẻ.

Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, Sổ sức khỏe điện tử còn giảm bớt áp lực về thủ tục giấy tờ, nhất là đối với người cao tuổi- những đối tượng thường xuyên phải tái khám và điều trị dài hạn. Ông Nguyễn Văn Hân (65 tuổi, quận Long Biên) cho biết: "Tôi bị bệnh phổi mãn tính, thường xuyên phải đi bệnh viện. Có lần tôi quên mang thẻ BHYT, đành phải quay về lấy, rất mất công. Nay chỉ cần điện thoại có ứng dụng VNeID là tôi có thể đăng ký khám ngay".

Không chỉ có bệnh nhân được hưởng lợi, các cơ sở y tế cũng ghi nhận nhiều cải thiện đáng kể trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân BHYT nhờ hệ thống này. BS.Nguyễn Văn Thường- Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết: "Việc tích hợp dữ liệu KCB BHYT lên VNeID giúp chúng tôi tiếp cận nhanh chóng với tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, từ đó chẩn đoán chính xác hơn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Quan trọng hơn, nó còn giúp giảm tải việc lưu trữ hồ sơ giấy và rút ngắn quy trình hành chính".

Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỷ đồng để mua phim phục vụ chiếu chụp, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng môi trường, lại khó lưu giữ lâu. Theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc triển khai ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử là bước tiến mới, phù hợp với quá trình phát triển. Ngoài ra, với Sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ vào dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định, như bệnh nhân có cần chuyển tuyến hay không.

Hà Nội tiên phong trong triển khai Sổ sức khỏe điện tử - ảnh 2
Lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử, TP. Hà Nội phấn đấu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử của Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, đã có hơn 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và gần 300 trạm y tế trên địa bàn thành phố liên thông dữ liệu KCB BHYT trên VNeID. Hơn 4 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Điều này giúp quá trình xét duyệt quyền lợi BHYT diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tới toàn bộ viên chức, người lao động trong các đơn vị y tế để hiểu và triển khai hiệu quả. Một kinh nghiệm đặc biệt quý báu không thể thiếu đó chính là sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng Công an cơ sở, cơ quan tư pháp tại địa phương và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ y tế địa phương trong triển khai thu thập, cập nhật số liệu. 

Theo tính toán của Bộ Y tế, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID có thể giúp tiết kiệm hơn 1.150 tỷ đồng mỗi năm, nhờ cắt giảm chi phí in ấn sổ y bạ, giảm lãng phí trong xét nghiệm và tối ưu hóa quy trình xử lý hồ sơ BHYT. Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu y tế còn giúp cơ quan BHXH kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng trục lợi quỹ BHYT, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người dân một cách công bằng và minh bạch hơn.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT, đều sẽ sở hữu một Sổ sức khỏe điện tử. Khi đó, khoảng 30% người dân khi đi KCB sẽ có bệnh án điện tử, tạo tiền đề cho một nền y tế số hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Dù mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID vẫn đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là khả năng tiếp cận công nghệ của người cao tuổi và những người chưa quen với ứng dụng số. Ngoài ra, việc đảm bảo tính bảo mật và an toàn dữ liệu y tế cá nhân cũng là một vấn đề quan trọng mà ngành y tế cần chú trọng.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và sự phối hợp giữa ngành y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan, những khó khăn này hoàn toàn có thể khắc phục. Trong tương lai, Bộ Y tế dự kiến sẽ tích hợp thêm thông tin tiêm chủng, đồng bộ kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trên VNeID, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống y tế số.

Việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID tại Hà Nội đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc tối ưu hóa dịch vụ KCB BHYT, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và hệ thống y tế. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt thủ tục hành chính, hệ thống này còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị và tiết kiệm nguồn lực cho quỹ BHYT. Với những lợi ích vượt trội này, Sổ sức khỏe điện tử hứa hẹn sẽ trở thành nền tảng quan trọng, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế Việt Nam.