Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội); Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương... cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3, như: Sẵn sàng hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; các hồ trên địa bàn cũng đã hạ xuống mức thấp cần thiết...
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan; thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch, phương án theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ các địa phương, các địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của bão và hỗ trợ Nhân dân; duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở, hạ tầng thiết yếu, nhất là thông tin liên lạc, cơ sở y tế...
Đồng chí Trần Sỹ Thanh lưu ý các cấp, các ngành, các báo, đài, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công phụ trách địa bàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão bảo đảm hiệu quả cao nhất; phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 gửi Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Công điện nêu rõ: Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Chú trọng tập trung đến các phương án phòng chống úng ngập nội ngoại thành; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của nhân dân; phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, phóng chống thiên tai; phương án hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên taim, sự cố xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm tra an to hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra. Sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, khu vực chịu tác động của lũ rừng ngang và các khu vực nguy hiểm khác). Đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức....