Hà Tĩnh: 23 mỏ khoáng sản khai thác vượt công suất, gây thất thu thuế

Admin
23/70 mỏ khoáng sản tại Hà Tĩnh được ngành chức năng xác định khai thác vượt công suất, gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế Nhà nước.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh này cấp phép đang còn hiệu lực. Trong số 70 mỏ thì có đến 23 mỏ được xác định khai thác vượt công suất.

Cụ thể, năm 2022 - 2023 có 23 mỏ khai thác vượt công suất trong phạm vi được cấp phép, trong đó, có 15 mỏ khai thác vượt công suất dưới 15%, 8 mỏ khai thác vượt công suất từ 15% trở lên. Đáng nói, có 4 mỏ cả 2 năm liên tục đều khai thác vượt công suất cho phép như: Mỏ đất phường Kỳ Trinh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà; Mỏ đất xã Xuân Liên của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thái Ngọc; Mỏ đất phường Hưng Trí của Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại tổng hợp Hòa Bình; Mỏ đất Bắc Sơn 2 của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh.

Hà Tĩnh: 23 mỏ khoáng sản khai thác vượt công suất, gây thất thu thuế- Ảnh 1.

Hình ảnh tại mỏ đất san lấp ở đồi Lâm Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9, được xác định khai thác vượt công suất lên đến 63%.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Sở TNMT Hà Tĩnh đã tham mưu xử phạt hành chính đối với 03 doanh nghiệp khai thác mỏ vi phạm vượt công suất. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền 680 triệu đồng. Thậm chí, có doanh nghiệp khai thác vượt công suất lẫn ranh giới, đến mức phải chuyển hồ sơ, xem xét xử lý hình sự.

Tại huyện Thạch Hà: Năm 2022, mỏ đất của Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9 ở khu vực đồi Lâm Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) khai thác đất vượt công suất cho phép đến 63%. Ngày 24/7/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9 số tiền 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2024, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Năm 2022 – 2023, 02 mỏ đất san lấp khác của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh và Công ty CP Cơ giới và Xây dựng 5/3 (cũng tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) đều bị phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác vượt công suất. Cụ thể: Mỏ đất của Công ty CP Cơ giới và Xây dựng 5/3 được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng 700.000m3 với công suất khai thác hằng năm 80.000m3. Tuy nhiên, năm 2022, công ty này lại khai thác lên đến gần 96.000m3, vượt công suất 19%. Mỏ đất san lấp Bắc Sơn 2 của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh cũng được ngành chức năng xác định khai thác vượt công suất lần lượt từ 17% lên đến 79% (năm 2023).

"Không những khai thác vượt công suất, Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9 và Công ty CP Cơ giới và Xây dựng 5/3 còn bị phạt hành chính về hành vi "chiếm đất nông nghiệp là đất trồng rừng sản xuất", một cán bộ Phòng TNMT huyện Thạch Hà cho biết.

Tại thị xã Kỳ Anh: Giai đoạn 2022 - 2023, mỏ đất ở phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) của Công ty CP Xây dựng thương mại tổng hợp Hòa Bình khai thác vượt công suất 104%. Đồng thời, doanh nghiệp này còn khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác với tổng diện tích khoảng 16.897m2. Khối lượng đất đào ở khu vực ngoài ranh giới mỏ được cấp khoảng 142.558m3, ước tính giá trị khoáng sản gần 6,3 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: 23 mỏ khoáng sản khai thác vượt công suất, gây thất thu thuế- Ảnh 2.

Văn bản chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu hình sự của UBND Hà Tĩnh đối với Công ty CP Xây dựng thương mại tổng hợp Hoà Bình.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh xác định, doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2368/QĐ-UBND, về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính trong khai thác khoáng sản tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty CP Xây dựng thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình.

Đáng bàn, theo văn bản trả lời của Phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh, việc phát hiện vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản vượt công suất ở Hà Tĩnh thời gian qua không phải do quá trình kiểm tra, kiểm soát của địa phương, cơ quan chức năng liên quan mà dựa trên cơ sở số liệu sản lượng khai thác do Cục Thuế Hà Tĩnh cung cấp. Từ đó, Sở TNMT Hà Tĩnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính. 

Trao đổi về nội dung này, đại diện Sở TNMT Hà Tĩnh cho biết, để có giải pháp quản lý thất thoát khoáng sản, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, kịp thời xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định. Trường hợp phát hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu sai phạm về hình sự trong hoạt động, khai thác khoáng sản thì kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá cụ thể nguồn cung, phương án nâng công suất đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép và nhu cầu dự báo đến năm 2030, để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với công suất, thời hạn khai thác. Đồng thời, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản lập hồ sơ nâng công suất khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; tham mưu UBND tỉnh xử lý các hồ sơ nâng công suất khai thác của các đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định.

Thời gian qua, các ngành chức năng tại Hà Tĩnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt việc khai thác khoáng sản vượt công suất, khai thác khoảng sản ngoài phạm vi, quản lý hoá đơn đầu ra, đầu vào… Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực trạng nhiều mỏ khai thác vượt công suất nhiều năm.

Theo ông Phan Tuấn Cường - chuyên viên Phòng TNMT huyện Thạch Hà, việc khai thác khoáng sản vượt công suất cho phép của các mỏ khoáng sản ở huyện Thạch Hà chưa từng xảy ra. Duy chỉ có năm 2022 và 2023, các mỏ chớp thời cơ cấp vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam nên liều lĩnh khai thác ồ ạt, bất chấp quy định pháp luật. Hoặc có thể doanh nghiệp khai thác vượt công suất mà không biết.

Ông Cường thừa nhận: Đơn vị chủ quan trong việc kiểm soát khai thác khoáng sản vượt công suất của các mỏ khoáng sản. Việc xử phạt này do Sở TNMT tham mưu UBND tỉnh nhưng có trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị cấp huyện. Địa phương sẽ nắm sản lượng khai thác khoáng sản từ Chi cục Thuế Thạch Hà hằng tháng để kiểm soát tốt hơn.