Hà Tĩnh: Người dân cần hiểu biết pháp luật khi xử lý thực bì trong mùa khô

Admin
Để giảm thiểu tình trạng cháy rừng, người dân khi xử lý thực bì trong mùa khô cần hiểu biết pháp luật, quy trình xử lý, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra.

Thời gian vừa qua, sau khi thu hoạch keo, tràm nhiều người dân tại tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý thực bì bằng cách đốt, dẫn tới nhiều vụ cháy rừng xảy ra. Người dân vô tình vướng vào vi phạm pháp luật.

Tính đến ngày 26/6/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 điểm phát lửa (Hương Khê 04 điểm, Kỳ Anh 02 điểm, Thạch Hà 01 điểm, thị xã Kỳ Anh 01 điểm; Đức Thọ 01 điểm, Vũ Quang 01 điểm); trong đó có 04 vụ cháy rừng (02 vụ tại xã Phú Gia, 01 vụ tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê và 01 vụ tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh); diện tích rừng thiệt hại không có khả năng phục hồi khoảng 1,407ha.

Kinh tế - Hà Tĩnh: Người dân cần hiểu biết pháp luật khi xử lý thực bì trong mùa khô

Tuyên truyền PCCC tại thôn 7, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi cháy rừng, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân, thủ phạm gây vụ việc, để xử lý theo quy định.

Đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xử phạt và phối hợp tham mưu xử phạt vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tổng 18 vụ/18 đối tượng, phạt tiền 219,05 triệu đồng; trong đó, 02 vụ /04 vụ cháy đã điều tra, xác định được nguyên nhân, truy tìm được thủ phạm gây cháy rừng, xử phạt hành chính 180 triệu đồng.

Để giảm thiểu trình trạng cháy rừng và việc người dân vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã đồng bộ vào cuộc tuyên truyền đến tận các hộ dân, các em học sinh, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.

Ngay từ đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phối hợp với các ban ngành, hạt kiểm lâm các huyện tổ chức một số buổi tập huấn, đi đến tận thôn xóm, hộ gia đình tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng cháy rừng. Đặc biệt, trên hệ thống loa truyền thanh của các xã thường xuyên phát những bản tin tuyên truyền.

Kinh tế - Hà Tĩnh: Người dân cần hiểu biết pháp luật khi xử lý thực bì trong mùa khô (Hình 2).

Tuyên truyền công tác PCCC rừng tại các trường học trên địa bàn

Đến nay, đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với 272 lượt/4.614 phút; nói chuyện chuyên đề và ký 33.315 bản cam kết tại 64 trường học và 135 thôn, xóm.

Ông Trương Quang Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay (26/6), toàn tỉnh Hà Tỉnh chỉ xảy ra các điểm bùng phát lửa nhỏ. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc khẩn trương nên tình trạng cháy rừng đã được kiểm soát nhanh chóng. Để có thành quả như vậy, công tác tuyên truyền là một yếu tố cốt lõi, giúp hạn chế tình trạng cháy rừng trong mùa khô.

Một số quy định và mức xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vục PCCC rừng, người dân cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật:

1.Đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tuyệt đối không được xử lý thực bì bằng lửa để trồng lại rừng, vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, xuất hiện gió mạnh, dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

2. Quy trình đốt thực bì: Trước khi đốt phải làm đơn gửi lên chính quyền sở tại. Trước khi quyết định đồng ý cho xử lý thực bì, UBND các xã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn và cán bộ lâm nghiệp xã tiến hành kiểm tra các điều kiện an toàn, cụ thể như sau:

Trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, không nằm trong cấp dự báo cháy rừng (IV, V). Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều.

Phải làm đường băng cản lửa rộng tối thiểu 10m tại những khu vực giáp ranh với khu vực rừng xung quanh; đón hướng gió tiến hành đốt xung quanh đường băng ra phía giữa của lô đất.

Trong khi đốt phải bố trí người canh gác chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, phương tiện máy thổi gió để ứng trực kịp thời khi có các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, cán bộ của UBND xã, Kiểm lâm địa bàn trực tiếp chỉ đạo, giám sát; các hộ và các tổ chức sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa thì lực lượng mới được phép ra về. Trước và sau khi xử lý thực bì, chủ tịch UBND xã phải thông báo về Ban chỉ đạo huyện để theo dõi chỉ đạo qua kênh điện thoại hoặc Zalo của nhóm BCĐ, đồng thời phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc quyết định xử lý thực bì của tổ chức, hộ gia đình cá nhân trên địa bàn quản lý.

Kinh tế - Hà Tĩnh: Người dân cần hiểu biết pháp luật khi xử lý thực bì trong mùa khô (Hình 3).

Lực lượng kiểm lâm cắm biển cháy rừng tại các cửa rừng có nguy cơ xảy ra cháy.

3. Về xử lý vi phạm: Điều 17, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định: Vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng. Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng, bị xử phạt như sau:

a, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 500m2.

 b, Rừng sản xuất có diện tích dưới 400m2.

c, Rừng phòng hộ có diện tích dưới 200m2.

d, Rừng đặc dụng có diện tích dưới 50m2.

đ, Gây thiệt hại về lâm sản trị giá dưới 2.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích. - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

a, Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích từ 25.000 m2 đến dưới 30.000m2

b, Rừng sản xuất có diện tích từ 3.500m2 đến dưới 5.000m2

c, Rừng phòng hộ có diện tích từ 2.500m2 đến dưới 3.000m2

d, Rừng đặc dụng có diện tích từ 900m2 đến dưới 1.000m2

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích.

- Ngoài ra, Điều 16, khoản 5, Nghị định 35/2019/NĐ- CP, quy định về xử lý thực bì bằng lửa để trồng lại rừng sau khai thác thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a, Sử dụng lửa không đúng quy định của pháp luật trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;

b, Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh;

c, Không tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng;

d, Không bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

đ, Không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng.

e, Không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng;

g, Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định của pháp luật; làm hầm, lò để đốt than trái phép trong rừng;

h, Chủ rừng không thực hiện trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp sau khi khai thác trắng với diện tích 10 ha trở lên.

4. Ngoài ra, tùy từng mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo các quy định của pháp luật. Trên đây là công văn về hướng dẫn quy trình xử lý thực bì và tuyên truyền về các mức vi phạm tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định Vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng.

Hồ Thắng – Quốc Hoàn