Ông Nguyễn Duy Hưng - người đứng sau thành công của SSI và Pan Group

Admin
Dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Duy Hưng, SSI và Pan Group đã “lớn nhanh như thổi” rồi khẳng định vị thế trong ngành chứng khoán cũng như nông nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Hưng được biết đến với cái tên ưu ái là “ông trùm” chứng khoán mà giới đầu tư hay gọi. Sở dĩ bởi vị doanh nhân này sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI, đây là công ty chứng khoán ra đời sớm nhất trên thị trường Việt Nam và đang là công ty chứng khoán lớn nhất ở thời điểm hiện tại. 

Năm 2020, SSI được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên được trao danh hiệu này. Ông Nguyễn Duy Hưng cũng từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ những đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán.

Từ cổng UBND tỉnh Khánh Hoà đến người sáng lập SSI

Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962, là con cả trong gia đình có 4 anh chị em. Cơ hội đến với ông khi ông được chọn để đi du học ở Đông Đức, tuy nhiên theo chia sẻ với truyền thông, sau khi đi học được vài năm thì ông bị kỷ luật do mua quá nhiều phim và giấy ảnh từ Đông Đức đem về Việt Nam.

Khép lại hành trình 5 năm học ở nước ngoài, ông Hưng về Việt Nam và theo học tại Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông về giúp mẹ trông xe ở cổng UBND tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông đã có cơ duyên gặp ông Võ Hòa - Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ và được nhận làm trợ lý cho ông Hoà. 

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Nguyễn Duy Hưng - người đứng sau thành công của SSI và Pan Group

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI, Pan Group.

Trong thời kỳ hoang sơ của kinh tế đối ngoại, ông Hưng được phân công phụ trách đầu tư nước ngoài của tỉnh Khánh Hòa. Cũng nhờ đó, ông đã khởi nghiệp từ việc làm dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ dễ tiếp cận hơn với các dự án ở Việt Nam. Năm 1992 ông Hưng cùng một số người bạn lập ra Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) với số vốn vài chục triệu đồng và ghi dấu ấn với hai thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình.

Thời gian làm tư vấn đầu tư nước ngoài là nền tảng quan trọng nhất để sau này ông bước chân vào ngành chứng khoán. Bởi ông được tiếp xúc với những dự án khả thi, biết được cách tiếp cận, biết được tại sao người ta chọn dự án này, thu xếp vốn ra sao, triển khai như thế nào.

Cộng với thời gian làm Nhà nước nên được tiếp xúc với những lãnh đạo, như chú Lê Văn Châu - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đầu tiên và được tin tưởng, được dẫn đi gặp các vị lãnh đạo cao hơn để trình bày, thuyết phục. Ông Hưng đã thành công trong việc thuyết phục các lãnh đạo cho phép mở công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. 

SSI dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Nguyễn Duy Hưng

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI được thành lập vào năm 1999, lúc ông Hưng vừa đi học đầu tư từ Thái Lan về. Dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Duy Hưng, SSI đã “lớn nhanh như thổi” và dẫn đầu trong ngành chứng khoán.

Chỉ mất 5 năm từ 2003 đến 2007, doanh thu của SSI đã tăng tới 233 lần từ 5,8 tỷ đồng lên hơn 1.352 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt từ 108 triệu đồng lên 864 tỷ đồng.

Dù có chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, nhưng tình hình kinh doanh của SSI cũng không quá “bết bát” khi ghi nhận doanh thu 1.054 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 71%.

Những năm sau đó, dù bức tranh tài chính của SSI có sự trồi sụt đan xen nhưng nhìn chung vẫn nằm trong top đầu các công ty chứng khoán. Đáng nhớ nhất phải kể đến năm 2021, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi giúp SSI ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục.

Theo đó, năm 2021 doanh thu SSI đạt 7.443 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức 2.695 tỷ đồng, lần lượt tăng 70% và 115% so với cùng kỳ. Đối với năm 2024, SSI cũng lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, lần lượt ở mức 8.112 tỷ đồng và 3.398 tỷ đồng, tăng 13% và 19% so với năm 2023.

Kết thúc quý I/2024, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 945 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 25% và 28% so với kế hoạch cả năm. Riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 727 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 51% so với cùng kỳ.

Cùng với việc tăng trưởng từ kết quả kinh doanh, vốn điều lệ của SSI cũng không ngừng tăng qua các năm. Chỉ sau một năm hoạt động, vốn điều lệ của SSI đã tăng từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Sau 7 năm hoạt động, vốn đăng ký của SSI đã tăng vọt 133 lần so với thời điểm ban đầu lên 799 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, vốn điều lệ của SSI ở mức 15.111 tỷ đồng.

Hiện SSI đang tiếp tục thực hiện 2 phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được ĐHĐCĐ thông qua trong năm 2023. Theo đó, SSI sẽ phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn, theo tỉ lệ 100:20 và chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 15.000 đồng/cổ phần theo tỉ lệ 100:10. Tổng cộng SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới.

Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng, củng cố vị trí số 1 về vốn trong nhóm các công ty chứng khoán.

Ngoài SSI, ông Nguyễn Duy Hưng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Pan (Pan Group); Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư NDH.

Hệ sinh thái nông nghiệp của "ông trùm" chứng khoán

Trở lại với Pan Pacific, doanh nghiệp được thành lập từ năm 1992 dưới cái tên Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình và chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Pan (Pan Group) từ giữa năm 2015.

Như đã đề cập ở trên, ban đầu doanh nghiệp được thành lập để làm dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ dễ tiếp cận hơn với các dự án ở Việt Nam. Tuy nhiên trong hai năm 1995 và 1996, dưới áp lực khủng hoảng kinh tế châu Á, nhà đầu tư nước ngoài không còn đến Việt Nam nữa nên những dự án bỏ rất nhiều. Chính vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chuyển mình sang lĩnh vực làm dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, lau chùi vệ sinh các tòa nhà cao ốc, nhà máy xí nghiệp. 

Kể từ năm 2012, khi ông Nguyễn Duy Hưng quay lại Pan làm Chủ tịch HĐQT, Pan đã chuyển mình và thay đổi chiến lược đầu tư thành một công ty muốn dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp.

Đến năm 2013, công ty này tăng vốn điều lệ lên 200,5 tỷ đồng, gấp 800 lần so với lúc mới thành lập. Năm 2015, Pan tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.009 tỷ đồng. Khi đó, doanh nghiệp này sở hữu 42,3% vốn điều lệ của CTCP Bánh kẹo Biên Hòa- Bibica. Đến năm 2017, Pan nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,07%. Bibica trở thành công ty con của Pan Food (công ty chuyên đầu tư vào thực phẩm của Pan). Thời điểm năm 2018, Pan rút hoàn toàn khỏi lĩnh vực vệ sinh công nghiệp để tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là nông nghiệp và thực phẩm.

Sau đó tập đoàn này mở rộng kinh doanh, đưa CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) vốn là một trong những công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam thành công ty con, công ty khử trùng Việt Nam thành công ty liên kết. Pan còn mua 22,4% cổ phần CTCP Thủy sản 584 Nha Trang, sau đó nâng lên 73,45%, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nước mắm truyền thống để đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lực sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở mua cổ phần các công ty nội địa, Pan còn thành lập nhà máy chế biến, công ty chuyên về trang trại, đầu tư vào trồng rau, hoa chất lượng cao. Năm 2019, tập đoàn của ông Nguyễn Duy Hưng chính thức tham gia ngành cà phê năm 2019 khi mua 80% cổ phần công ty Golden Beans, sở hữu thương hiệu SHIN Cà phê.

Ngoài ra PAN cũng thành lập một công ty chuyên về hệ thống phân phối có tên PANCG.

Về bức tranh tài chính của  Pan, giai đoạn từ 2014-2018, Tập đoàn kinh doanh ổn định với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm. Kết quả, năm 2018, doanh thu của Pan đạt 7.828 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng; tăng lần lượt 7 lần và 3,5 lần cùng kỳ năm 2024.

Giai đoạn sau khi rút hoàn toàn khỏi mảng vệ sinh công nghiệp vào năm 2018, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Pan ghi nhận nhiều biến động, lợi nhuận của công ty liên tục đi sụt giảm trong năm 2019 và 2020, bất chấp doanh thu gần như đi ngang. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty vào năm 2020 là 333 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2018. 

Bước sang giai đoạn từ 2021-2023, Tập đoàn Pan liên tiếp ghi nhận tín hiệu tích cực. Theo đó, doanh thu tuần của công ty ghi nhận tăng 2,5 lần từ 9.248 tỷ đồng vào năm 2021 lên 13.655 tỷ đồng vào năm 2022, sau đó sụt giảm nhẹ xuống 13.204 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Đáng chú ý, năm 2023, công ty báo lãi tăng vọt với 817 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử sản xuất kinh doanh của Pan.

Với bức tranh tài chính với nhiều điểm sáng trong năm 2023, Tập đoàn Pan lên kế hoạch năm 2024 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 882 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2023. Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.780 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, Tập đoàn Pan đặt ra kịch bản kinh doanh khá thận trọng trong bối cảnh thị trường được đánh giá có nhiều biến động, rủi ro về về lạm phát và biến đổi khí hậu,... được xác định là sẽ có ảnh hưởng lớn với toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, nếu xảy ra.