Hạnh phúc vỡ theo mộng làm giàu

Admin
(PNTĐ) - Nhìn chồng đau đớn nằm trên giường bệnh, chị tôi vừa thương vừa giận. Rồi chị ao ước giá như thời gian quay trở lại, chị nhất định không cho chồng theo đuổi giấc mộng làm giàu.

Giấc mơ tỷ phú của anh rể

Trước khi cơn lốc chứng khoán kéo đến thì vợ chồng chị gái tôi sống rất hạnh phúc, dù kinh thế còn khó khăn. Bấy giờ, anh rể tôi làm công nhân trong nhà máy sản xuất linh kiện ôtô, còn chị làm công nhân trong công ty da giày. Khi đứa con đầu lên 5 tuổi, anh chị sinh thêm đứa thứ hai. Thương cảnh vợ chồng con cái suốt ngày sống chật chội trong căn phòng trọ nóng nực, gia đình nội ngoại bàn nhau vay mượn góp vào giúp anh chị mua được căn hộ tập thể nho nhỏ. Cuộc sống bớt vất vả một chút so với trước đây nhưng với người khác thì vợ chồng anh chị tôi vẫn còn… nghèo lắm. Tuy nhiên, họ yêu thương nhau nên vượt qua được mọi khó khăn.

Khi thị trường chứng khoán bùng lên, nó kéo theo bao giấc mơ làm giàu của nhiều người, trong đó có anh rể tôi. Bạn bè của anh rể tôi có vài người đã lao vào làm giàu bằng con đường đầu tư chứng khoán. Số may hoặc gặp thời, họ trúng chứng khoán liên tiếp, đổi đời nhanh chóng, mua xe, mua nhà chỉ trong một thời gian. Thấy bạn bè làm giàu bằng đầu tư chứng khoán dễ dàng quá, anh rể tôi về bàn với vợ đi vay tiền để đầu tư. Chị gái tôi trước đây cũng vì gia đình khó khăn nên không được học hành nhiều nên chẳng hiểu việc làm giàu bằng đầu tư chứng khoán thế nào. Với chị, kiếm tiềm là phải bán sức lao động, phải làm việc chăm chỉ, tiết kiệm thì mới có. Chị không tin chẳng phải bỏ công sức, chỉ bỏ tiền ra mua phiếu gì đó rồi ngồi đợi nó tăng giá là có thể làm giàu nhanh chóng, thậm chí là có thể giàu lên sau một đêm như anh rể tôi nói.

Hạnh phúc vỡ theo mộng làm giàu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong khi chị gái tôi vẫn còn bán tín bán nghi thì bạn bè anh rể tôi lại tiếp tục trúng chứng khoán. Tiền tỷ về tay, họ bỏ việc ra để làm ngoài rồi thành lập công ty riêng, mở cửa hàng buôn bán làm ăn lớn. Họ đổi đời trông thấy mà chị tôi vẫn không tin. Thuyết phục mãi, vợ cũng chẳng chịu hiểu ra, cuối cùng, anh rể tôi quyết định tự mình làm giàu. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè mỗi người cho vay một ít, anh rể tôi theo mấy người bạn bỏ vốn đầu tư chứng khoán. Lần đầu tư đó, anh trúng thật, dù số lãi không nhiều nhưng nó chứng minh cho anh thấy rằng con đường đầu tư làm giàu của mình là đúng đắn.

Ngày anh rể tôi mang tiền về, chị gái tôi vẫn không tin. Chị còn khuyên chồng không nên lao vào lĩnh vực làm ăn mà mình chẳng biết gì. Thế nhưng, mặc vợ nói gì thì nói, anh rể tôi vẫn tiếp tục theo bạn bè vay tiền để chơi chứng khoán; thậm chí anh mang cả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đi cầm để lấy tiền đầu tư.

Cứ mỗi lần tôi sang chơi, anh rể lại say sưa nói về cái ngày số cổ phiếu anh đầu tư được sẽ lên giá. Khi đó, anh sẽ mua căn chưng cư rộng hơn 120m2, ba phòng rộng rãi để vợ chồng con cái sống thoải mái hơn. Anh còn bảo mua cả xe máy mới cho vợ đi làm khỏi phải cọc cạch với chiếc xe đạp điện suốt ngày phải sửa như bây giờ. Anh cũng sẽ có một số tiền để tích cóp để dành cho con đi học đại học, không phải lo lắng gì. Thấy anh tin tưởng như thế, tôi cũng thấy mừng. Thôi thì mong cho cái ngày anh thành tỷ phú sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, mỗi lần nghe chị gái bộc lộ sự lo lắng trước việc làm ăn mạo hiểm từ việc đi vay nợ của chồng ngày một nhiều để có tiền đầu tư lớn hơn, tôi cũng thấy sờ sợ. Chị bảo anh chẳng có kiến thức gì về chứng khoán, cứ làm nghe theo kiểu “nghe hơi nồi chõ” bên ngoài rồi về vay tiền làm liều. Họ chỉ cho mua cái gì thì mua cái đó, thậm chí mua rồi cũng chẳng biết đó là loại cổ phiếu gì.

Hạnh phúc vỡ theo mộng làm giàu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chưa kịp giàu đã trắng tay

Thật oái oắm, nỗi lo sợ của chị gái tôi lại có ngày trở thành hiện thực. Điều đó có nghĩa, giấc mơ tỷ phú của anh rể rơi vỡ như bong bóng xà phòng khi chứng khoán rơi vào cảnh suy thoái. Số cổ phiếu trước đây anh mua đầu tư giờ tụt xuống thê thảm, đẩy anh trở thành kẻ trắng tay với số nợ lớn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, anh chị buộc phải bán căn nhà đang ở để trả nợ. Mất hết nhà cửa, quay lại cảnh sống nhà trọ như ngày xưa, chị gái tôi khóc ấm ức, đổ lỗi, oán trách chồng. Lời ra riếng vào, cộng với cuộc sống khó khăn, hạnh phúc của anh chị tôi không còn như trước.

Hơn một năm nay, anh trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Hình ảnh người đàn ông hiền lành, chăm chỉ làm ăn, thương vợ con nay đã … “biến mất”. Thay vào đó, anh thường xuyên tìm đến bia rượu để giải sầu. Hàng ngày, cứ tan giờ làm là anh lại la cà quán sá nhậu nhẹt với bạn bè, uống say rồi mới loạng choạng về nhà. Từ lúc nào, anh rể tôi bỏ quên luôn trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình. Chị gái tôi lâm vào cảnh “của đau con xót”, lại thấy chồng càng ngày càng vô tích sự, bê tha, cũng đâm trái tính trở nết theo. Đi thì chớ, về đến nhà, chị thấy chồng nồng nặc mùi rượu, nằm ngủ vạ vật là lập tức mắng con, chửi chồng không ngớt.

Hôm đó, anh rể tôi lại say rượu, vừa về đến nhà là túm lấy tóc vợ đấm đá túi bụi. Như con thú bị thương, chị tôi cũng vùng lên đánh trả nhưng vì sức yếu hơn nên bị chồng ghì chặt dưới đất. Rượu làm anh mất đi lý trí, sẵn có con dao làm bếp, anh cầm lên và chém vào đầu chị. Trong khoảng khắc nguy hiểm đó, chị lấy hết sức bình sinh vùng lên tránh cú chém chết người của chồng và đẩy anh ngã vào bếp. Trong cơn bấn loạn, chị cầm cả nồi nước canh đang sôi trên bếp đổ hết vào người chồng. Anh rể tôi gào thét trong đau đớn rồi nhanh chóng được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu. Anh vào viện, chị vào theo để chăm chồng. Bác sĩ điều trị bảo, anh bị bỏng toàn thân, tỷ lệ thương tật 25%.

Hạnh phúc vỡ theo mộng làm giàu - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chồng nằm điều trị đau đớn trên giường bệnh bao nhiêu thì lòng chị cũng đau đớn bấy nhiêu. Thời gian ở bệnh viện, bố mẹ và người thân của chồng đến thăm anh và mắng chửi chị cũng thậm tệ. Rồi họ bảo với tỷ lệ thương tật đó, họ sẽ kiện chị ra tòa để chị vào tù đền tội, họ cũng bảo dứt khoát anh phải ly hôn chị. Chị bảo cứ để cho mình chăm chồng mạnh khỏe ra viện rồi về nhà ly hôn sau. Chị chấp nhận điều đó nếu anh muốn, nhưng xin mọi người đừng đẩy chị vào vòng lao lý, bởi chị còn hai đứa con phải nuôi. Nếu chị vào đó rồi, anh làm sao nuôi được con, rồi với vết thương đó, hình hài khuôn mặt cũng bị xấu đi ít nhiều, liệu anh có còn đủ tự tin để đi làm như trước, hay lại bỏ việc ở nhà thì lấy tiền đâu trả nợ, nuôi con.

Những ngày nằm viện, lòng anh cũng dịu lại đôi chút, chẳng căm hận chị như thời gian đầu. Âu cũng là nghĩa vợ chồng với nhau, sống với nhau có hai mặt con rồi. Chị sai nhưng anh cũng có cái sai không nhỏ trong đó. Nếu anh không đánh vợ thì chị cũng chẳng vùng lên đánh trả để rồi xảy ra cơ sự. Nếu anh không bất chấp mọi sự khuyên nhủ của vợ lao vào con đường làm giàu kia thì hôn nhân cũng chẳng bị đẩy đến nước này. Thôi thì, con đường dẫu nhiều gập ghềnh sóng gió nhưng cũng chưa phải là ngõ cụt. Họ phải nhìn về tương lai của con cái mà buông bỏ để cùng cố gắng xây lại hạnh phúc một lần nữa.